Bản Để In

Đừng để kinh doanh tắc nghẽn vì “đợi” hướng dẫn

(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây, tình hình Luật “đợi” Nghị định, Nghị định “đợi” Thông tư có phần được cải thiện, trong nhiều trường hợp Nghị định hướng dẫn được dự thảo cùng lúc với văn bản luật chính.

03/23/2015 10:23
Luật Đất đai 2013 là một ví dụ, Nghị định hướng dẫn (số 43/2014/ND-CP) được đưa ra lấy ý kiến cùng lúc với luật để rồi luật và nghị định kịp có hiệu lực cùng ngày (01/7/2014). Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều quy định mà cơ quan chức năng còn nợ hướng dẫn chi tiết và kết quả là doanh nghiệp chỉ biết chờ đợi mỏi mòn. Dưới đây là ba ví dụ về tình trạng nợ đọng văn bản này.

Thông tư 47/2010/TT-BYT (Điều 3) hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc chỉ quy định về điều kiện để thương nhân là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu nhằm mục đích phục vụ sản xuất thuốc của chính doanh nghiệp, còn nhập khẩu thuốc nhằm mục đích khác (như nhập về để bán) sẽ được Bộ Y tế hướng dẫn tại văn bản khác.

Vấn đề nằm ở chỗ cho đến nay vẫn chưa thấy văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và cũng chưa biết đến bao giờ mới có văn bản này. Hệ quả là hoạt động nhập khẩu thuốc về để bán lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không thể thực hiện được trên thực tế, do doanh nghiệp không thể xin được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu thuốc từ Bộ Y tế. Mặc dù từ năm 2009, Bộ Công Thương đã có văn bản cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quyền nhập khẩu dược phẩm (theo Quyết định 10/2007/QĐ-BTM nay đã được thay thế bởi Thông tư 34/2013/TT-BCT). Còn doanh nghiệp trong nước nào đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu thuốc, nay chuyển đổi thành doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà nhập khẩu thuốc về để bán cũng có nguy cơ bị xem là trái luật.  

Một ví dụ nữa là hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của người cư trú ở Việt Nam mà không phải là ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác. Theo Pháp lệnh Ngoại hối (Điều 15a) khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định thì tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (ví dụ như mua cổ phần của một công ty tận bên Mỹ). Nhưng đến bao giờ Ngân hàng Nhà nước mới ban hành quy định này thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới trả lời được.

Không có hướng dẫn cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nếu không xin được chấp thuận riêng rẽ cho từng trường hợp từ Ngân hàng Nhà nước sẽ không được phép chuyển tiền ra nước ngoài để mua cổ phần của các công ty ở nước ngoài. Người lao động Việt Nam và cả người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam lỡ có được công ty mẹ ở nước ngoài bán cổ phần với giá ưu đãi cũng đành ngậm ngùi tiếc nuối vì bỏ tiền ra mua cổ phần thì sẽ bị xem là đầu tư gián tiếp ra nước ngoài mà Ngân hàng Nhà nước vẫn còn đang im lặng.

Ví dụ thứ ba là quy định tại Điều 87 của Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quy định về việc đầu tư thành lập doanh nghiệp tư nhân của nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng xem ra sau gần mười năm vẫn chưa có văn bản nào của quy định về vấn đề này.

Trong chừng mực nhất định, có thể đoán được phần nào lý do tại sao các bộ vẫn đang bình chân như vại. Như trong trường hợp thứ nhất, có thể mục đích của Bộ Y tế trong việc chậm ban hành văn bản về hoạt động nhập khẩu thuốc thành phẩm để về bán lại là để tránh thị trường thuốc nhập khẩu rơi vào tay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hoặc trong trường hợp thứ hai, Ngân hàng Nhà nước lo ngại tình trạng chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài. Trong trường hợp thứ ba là để tránh người nước ngoài mang tiền vào Việt Nam chỉ để thành lập những doanh nghiệp tư nhân nhỏ về quy mô lẫn vốn liếng.

Cứ cho đó là mục đích tốt đẹp mà các Bộ hướng đến và như thế việc chậm ban hành văn bản là có chủ đích (và có trách nhiệm?). Nhưng thực trạng đó lại dẫn đến nhiều hệ lụy. Thứ nhất, nó làm cho các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn như luật và nghị định lại trở nên phụ thuộc vào văn bản thuộc cấp bộ, tính có hệ thống của pháp luật vì thế mà bị xói mòn. Nó cũng dẫn đến tình trạng khó đoán định của pháp luật Việt Nam, bao giờ thì được, bao giờ thì không? Khó đoán định thì làm sao mà doanh nghiệp yên tâm kinh doanh cho được. Nó cũng góp phần tạo nên tình trạng không ổn định trong hệ thống pháp luật theo kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, trên mở dưới khép lại, lúc cho, lúc không.

Trong quá khứ dường như không đếm được bao nhiêu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị tắc nghẽn chỉ vì “chưa có hướng dẫn”. Và dường như có người cũng đã vướng vòng lao lý chỉ vì kinh doanh khi “chưa có hướng dẫn”. Thực trạng này chừng nào chưa được khắc phục thì chừng đó lợi ích nhóm, quan liêu, tham nhũng còn có khả năng bám rễ đâm chồi.

Luật sư Trương Hữu Ngữ