chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Trước đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2002/NĐ-CP và sau đó là Nghị định 43/2006/NĐ-CP thay thế Nghị định 10/2002/NĐ-CP để tiếp tục mở rộng quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp. Bên cạnh tự chủ về tài chính, đơn vị sự nghiệp còn được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế.
Sau một thời gian thực hiện cho thấy, việc mạnh dạn trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công chủ động tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ; phát huy mọi khả năng để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao; tăng nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động.
Trả lời phỏng vấn báo Đầu tư, ông Võ Thành Hưng cho biết theo số liệu tổng kết thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP thì với trên 30.000 đơn vị sự nghiệp công hiện nay, có khoảng 1.100 đơn vị đã tự bảo đảm được toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; trên 11.000 đơn vị tự chủ được một phần kinh phí chi thường xuyên và khoảng 18.000 đơn vị vẫn được ngân sách nhà nước cấp toàn bộ kinh phí chi thường xuyên. Như vậy, số đơn vị công lập chưa tự chủ về tài chính không nhiều.
Đến tháng 2 vừa qua, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP nhằm đổi mới toàn diện đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính với tinh thần đơn vị nào tự chủ cao về tài chính thì được tự chủ cao trong triển khai nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự.
“Đây có thể được coi là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh xã hội hóa, là cơ sở pháp lý để tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công lập nhằm cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân, nhưng vẫn bảo đảm cho các đối tượng chính sách và người nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu với chất lượng cao hơn”, ông Võ Thành Hưng nói.
Theo đánh giá của vị Vụ trưởng, một trong những vướng mắc lớn nhất kể khi bắt đầu giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công là bao cấp về giá, phí dịch vụ thì Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã xử lý được theo tinh thần xóa bỏ bao cấp giá, phí dịch vụ, từng bước tính đủ tiền lương, chi phí thường xuyên.
Theo đó, đến năm 2016, đơn vị sự nghiệp công tự chủ được tính giá dịch vụ công cả chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018, tính đủ cả chi phí quản lý và từ năm 2020 tính cả khấu hao tài sản cố định.
Trả lời câu hỏi về chất lượng dịch vụ công sau khi tính đúng, tính đủ chi phí, ông Hưng cho biết hiện đã có 5 trường đại học xung phong tự chủ hoàn toàn về tài chính, cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư; nhiều khoa đào tạo, khám chữa bệnh chất lượng cao của một số trường đại học, bệnh viện cũng tự nguyện tự chủ hoàn toàn về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.
“Thực tế cho thấy, chất lượng dịch vụ do các đơn vị này cung cấp không hề thua kém đơn vị sự nghiệp tư, kể cả đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Hưng nói.
Số người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công hiện khoảng 2,3 triệu người, bằng 80% tổng số biên chế và 80% quỹ lương của khu vực hành chính - sự nghiệp. Ông Võ Thành Hưng đánh giá, thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP về giao quyền tự chủ, tiến tới cho phép đơn vị sự nghiệp công được quản lý như mô hình doanh nghiệp và thí điểm cổ phần hóa là “bước đột phá trong tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công, là đòn bẩy để thực hiện cải cách tiền lương”.
Thành Đạt