Bản Để In

Hải quan lần đầu tiên công bố kết quả đo giờ thông quan

(Chinhphu.vn) - Theo kết quả đo thời gian giải phóng hàng vừa được Tổng cục Hải quan công bố ngày 19/9, thời gian tác nghiệp của lực lượng Hải quan chỉ chiếm 28% tổng thời gian giải phóng hàng nhập khẩu.

09/19/2014 05:27

Việc đo do Tổng cục Hải quan phối hợp với 9 Bộ quản lý chuyên ngành và 2 Hiệp hội ngành nghề có liên quan tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong năm 2013 theo phương pháp của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Theo đó, với hàng nhập khẩu, thời gian từ khi hàng đến cảng/cửa khẩu cho đến khi hàng đã có quyết định thông quan/giải phóng hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan (tổng thời gian giải phóng hàng) là: 115:00:17 (giờ:phút:giây).

Trong đó, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan Hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng là: 32:37:55 (chiếm khoảng 28% tổng thời gian). 72% thời gian còn lại là tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa.

Đối với hàng xuất khẩu, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan Hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng là: 11:06:33  (giờ:phút:giây).

Tại buổi công bố, đã có một số ý kiến thắc mắc về tính khách quan và độ tin cậy về kết quả đo của Tổng cục Hải quan.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường, kết quả của cuộc nghiên cứu thời gian giải phóng hàng năm 2013 được thu thập, tổng hợp, phân tích, báo cáo từ dữ liệu thời gian về quá trình làm thủ tục hải quan của các lô hàng thuộc 7.441 tờ khai hải quan được đăng ký trong khoảng thời gian 1 tuần làm việc liên tục tại 11 chi cục thuộc 7 Cục Hải quan tỉnh thành phố theo ba tuyến đường cơ bản: đường biển, hàng không và đường bộ.

Dữ liệu của cuộc nghiên cứu có được trên cơ sở kết hợp ghi nhận trực tiếp thời gian theo thực tế công việc và khai thác trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Với phương pháp đo này đã đảm bảo được tính khách quan.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh kết quả đo lần này đã chỉ ra một loạt các yêu cầu cho cơ quan Hải quan từ các cấp, đồng thời chỉ ra được nhiệm vụ của các bộ, ngành quản lý nhà nước cần phải thay đổi cách thức làm việc. Đặc biệt, qua cuộc đo này, ngành Hải quan cũng đưa ra giải pháp cho việc chống phiền hà sách nhiễu, tiêu cực trong ngành.

Việc tổ chức đo thời gian giải phóng hàng toàn diện sẽ được thực hiện định kỳ 3 lần/5 năm và năm 2015 sẽ là năm tiếp theo Tổng cục thực hiện đo thời gian giải phóng toàn diện. Những vấn đề còn tồn tại và băn khoăn ở cuộc đo năm 2013 sẽ được giải quyết ở cuộc đo vào năm 2015, trên cơ sở, đó cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam được tốt hơn.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để việc đo thời gian giải phóng hàng được hiệu quả hơn, ngành Hải quan cần tăng cường sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là trong thời gian đầu để các chuyên gia có thể tư vấn về phương pháp và cách thức đo.

Cùng với đó, cần tăng tính độc lập khách quan bằng cách huy động sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng giao nhận, XNK, VCCI bởi chứng minh được tính độc lập khách quan của hoạt động cũng rất có ý nghĩa.

Thành Đạt