Bản Để In

Hai tin vui của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

(Chinhphu.vn) – Việt Nam tăng 12 bậc về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, trong khi tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,5%, mức cao nhất trong 5 năm qua.

10/01/2015 05:22
Tăng 12 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu đã phần nào phản ánh nỗ lực của Việt Nam
Chiều 30/9, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, trình bày báo cáo về tình hình KTXH thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã nhắc tới thông tin Việt Nam tăng 12 bậc về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đạt 4,3 điểm/7 điểm, xếp thứ 56 trong số 140 nền kinh tế, tăng 12 bậc so với kỳ khảo sát 2014-2015.

Thông báo với các thành viên Chính phủ việc Việt Nam thăng hạng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết các tiêu chí đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính, gồm: Yêu cầu căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); yếu tố nâng cao (giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và các yếu tố về tinh vi – đột phá (sự tinh vi của hệ thống doanh nghiệp, khả năng đột phá).

“Chúng ta tăng chủ yếu do nhóm thứ nhất, như kinh tế vĩ mô tốt, giáo dục cơ bản tốt, y tế tốt, thể chế và cơ sở hạ tầng có cải thiện”, Bộ trưởng phân tích.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết từ đầu năm đến nay, nền kinh tế nước ta phục hồi khá rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch đề ra, cao hơn so với dự báo trước đây. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng qua đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ 2011 đến nay.

Theo phân tích của Bộ trưởng, một trong 4 động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015 là những tác động bước đầu của việc triển khai thực hiện các luật mới có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Trong hai năm 2014 và 2015, Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp ban hành hai Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trên cơ sở phương pháp, cách thức đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) và xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF.

Nghị quyết 19 năm 2015 đặt mục tiêu trong năm 2015, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6, năm 2016 phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế.

Cũng tại phiên họp Chính phủ, Bộ KHĐT đã có báo cáo về kết quả 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015. Theo đó, một số giải pháp đề ra đã được triển khai thực hiện và có kết quả được ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều giải pháp, nhiệm vụ chưa được triển khai hoặc đã được triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng.

Mặc dù vậy, kết quả xếp hạng vừa được WEF công bố và tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đã cho thấy, những giải pháp triển khai suốt từ năm 2014 đến nay đã phát huy hiệu quả trong thực tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Trả lời báo chí về kết quả xếp hạng của WEF, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng đó là kết quả của việc Việt Nam chấp nhận cuộc chơi toàn cầu.

“Năm nào mình làm tốt thì thứ hạng tăng, làm dở hoặc có nước nào khác làm tốt hơn thì họ hạ bậc. Việc thứ hạng tăng liên tục phần nào phản ánh nỗ lực của Việt Nam, nhất là vừa qua, khi Chính phủ ra Nghị quyết 19, nhằm cải thiện trực tiếp vào thủ tục hành chính, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Bộ trưởng nói.

Trả lời câu hỏi Chính phủ và doanh nghiệp cần làm gì để năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định cách duy nhất là chấp nhận cạnh tranh. “Có ý kiến nói phải bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Tôi thì nói rằng việc chúng ta gia nhập các FTA một phần vì mong muốn hội nhập mạnh mẽ hơn, chấp nhận cạnh tranh nhiều hơn để phát triển”, người đứng đầu Bộ KHĐT thuật lại một diễn biến đáng chú ý tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 diễn ra sáng 30/9, khi ông tranh luận với đại biểu.

Theo Bộ trưởng, việc có hơn 700 đại biểu đến từ 32 nước quan tâm đến Diễn đàn sáng nay đã phần nào cho thấy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và sức hấp dẫn khi đầu tư vào Việt Nam.

Hà Chính