chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai công tác năm 2015 của Cục Hàng không Việt Nam. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Theo báo cáo tổng kết đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai công tác năm 2015 của Cục Hàng không Việt Nam diễn ra sáng 26/12, năm 2014 có 401 vụ việc liên quan đến an toàn hàng không được báo cáo trong đó có 91 sự cố (phân loại theo mức A, B, C, D), tăng 129 vụ so với năm 2013, trung bình tăng 177%. Riêng các sự cố mức D tăng 207% so với năm 2013.
Trong đó, nguyên nhân do hỏng hóc kỹ thuật lên tới 143 vụ, cao hơn năm 2013 là 60 vụ, do hành khách chiếm 27 vụ, cao hơn năm ngoái 24 vụ. Cũng trong năm này, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa vào danh sách cấm bay 7 trường hợp và đưa vào danh sách kiểm tra trực quan bắt buộc 12 trường hợp, phát hiện 158 vụ hành khách mang vũ khí, công cụ, vật phẩm nguy hiểm và 13 vụ cung cấp sai thông tin về bom và vật liệu nổ. Cùng với đó, số vụ mất cắp hành lý vẫn ở tình trạng báo động với 60 vụ.
Tỷ lệ chậm, huỷ chuyến của các hãng hàng không Việt Nam là 19,3%, xấp xỉ năm 2013. Riêng 6 tháng cuối năm, sau rất nhiều nỗ lực và sự vào cuộc của Bộ GTVT kéo giảm tỷ lệ chậm huỷ chuyến xuống còn 14,4%, giảm 9,4 điểm so với 6 tháng đầu năm và giảm 8,6 điểm so với năm 2013.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, nguyên nhân do mạng đường bay, tần suất các chuyến bay tăng, trong khi đó điều kiện cơ sở vật chất phục vụ còn hạn chế dẫn tới việc bị chậm huỷ chuyến phát sinh tâm lý bức xúc cho hành khách. Cùng với đó, việc phát triển hàng không giá rẻ, hành khách cũng đa dạng hơn, trong đó nhiều người đi tàu bay, thiếu hiểu biết về an ninh, an toàn hàng không nên đã có những vi phạm vô ý.
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho rằng: “Những vấn đề về an toàn, an ninh hàng không chủ yếu là do nguyên nhân từ con người, không thể đổ lỗi tại hạ tầng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư mỗi năm, nhưng vẫn còn bộc lộ yếu kém, nạn trộm cắp hành lý vẫn còn… Cần phải tìm ra vấn đề mấu chốt để giải quyết”.
Đánh giá lại chất lượng toàn bộ nguồn nhân lực
Trước những tồn tại nhìn thấy rõ của ngành hàng không, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thẳng thắn bày tỏ: “Chúng ta đã có những kỷ lục không ai muốn giữ. Lần đầu tiên trong lịch sử để mất điện không kiểm soát được không lưu, tỷ lệ chậm huỷ chuyến tăng bất thường; máy bay hạ cánh nhầm sân bay, máy bay suýt đâm nhau; chất lượng, giá cả dịch vụ bị người dân phàn nàn… Ngành hàng không năm qua đã làm mất hình ảnh của chính mình, mất hình ảnh của ngành GTVT, ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia”.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, để xóa bỏ được những điểm tối này, ngành hàng không phải thay đổi tư duy, làm rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Cục Hàng không Việt Nam, phải nhìn trực diện yếu kém để có giải pháp trúng và đúng.
Bên cạnh đó, vấn đề năng lực con người của ngành hàng không cũng được nhận định là còn yếu. Để khắc phục thực trạng này, ông Đinh La Thăng yêu cầu: “Cục Hàng không phải thành lập Hội đồng đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực từ Cục trưởng, Cục phó Hàng không trở xuống và có chính sách đào tạo, xây dựng, thu hút nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng vào làm việc trong ngành”.
Phan Trang