Bản Để In

“Hoan hô Thủ tướng và mong chờ Bộ Xây dựng”

(Chinhphu.vn) – Đây là ý kiến của Giám đốc Công ty có kiến nghị vừa được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu xử lý.

05/23/2016 03:10
Ông Nguyễn Văn Đực cho biết cải thiện môi trường kinh doanh là yêu cầu bức xúc của người dân và doanh nghiệp
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, nghiên cứu kiến nghị “Bộ Xây dựng uỷ quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh quản lý chất lượng công trình cấp I”, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2016.

Đây là kiến nghị của Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Tân tại công văn ngày 5/4/2016 gửi Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh…

Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Tân nói:

“Việc làm nói trên là thể hiện quyết tâm rất cao  nhanh chóng và quyết liệt của Chính phủ, để làm giảm thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, giảm giá bán và sớm có sản phẩm cho xã hội. Tôi nghĩ Bộ Xây dựng nên xem xét để giảm các loại thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, ủy quyền và hỗ trợ cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh quản lý xây dựng, như Nghị quyết 43 của Chính phủ năm 2014 đã yêu cầu là giảm ít nhất 40% thời gian làm thủ tục xây dựng”.

“Tôi hoan hô Chính phủ, Thủ tướng và mong chờ Bộ Xây dựng”, ông Đực nói.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về những vướng mắc trong các thủ tục xây dựng các công trình cấp I?

Lực lượng thiết kế và thi công xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 10 năm nay phát triển rất mạnh. Sự hồi phục của thị trường bất động sản mạnh mẽ ở phân khúc trung và cao cấp. Hầu hết các chung cư mới xây dựng hay chuẩn bị đầu tư đều trên 23 tầng, tức là thuộc công trình cấp 1, hàng năm sẽ có gần trăm công trình như thế. 

Về thiết kế, theo tôi biết thì hàng mấy chục năm rồi, chưa có cao ốc nào sụp đổ hay hư hỏng vì thiết kế. Theo kinh nghiệm của tôi thì các thiết kế ngày càng quá an toàn, an toàn quá mức cần thiết, đưa đến lãng phí. Theo hiểu biết thì Bộ và Sở Xây dựng thẩm định đều đặt yêu cầu quá an toàn nên góp phần tăng lãng phí.

Tôi đã nhiều lần kiến nghị là Bộ và Sở chỉ thẩm tra phương án và tôn trọng tác quyền của các dự án tư doanh, hãy đơn giản và nhẹ tay hơn cho doanh nghiệp, Bộ và Sở tập trung thẩm định các dự án có yếu tố vốn ngân sách đang có tình trạng lãng phí và đội vốn khủng. Việc phải đi lại đôi ba lần ra Hà Nội để Vụ quản lý các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định thiết kế công trình cấp 1 là không cần thiết .

Về thi công, theo tôi biết thì trong thời gian thi công có 2 lần kiểm tra và thi công xong có ít nhất thêm 1 lần kiểm tra để nghiệm thu đưa vào sử dụng. Mỗi lần như thế phải mời đoàn khoảng 7 người, chi phí đi lại ăn ở rất tốn kém, rồi mất thời gian nữa. Một số sự cố trong xây dựng, một số tai nạn xây dựng đã xảy ra, một số công trình xây mà chưa phép, trái phép, nhưng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chỉ với 2 lần kiểm tra có làm giảm được không hay chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa"? Cục đã kiểm tra gì để vẫn có nhiều công trình xây sai phép làm nóng dư luận thời gian qua, báo chí đã lên tiếng và lãnh đạo Chính phủ phải chỉ đạo xử lý?

Những quy định như trên khiến làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Chi phí đầu tiên là đi lại. Có ai thống kê hàng ngày có bao nhiêu vé máy bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là để giải bài toán thủ tục hành chính? Chi phí thứ nhì là ăn và ở. Đó là chưa kể các khoản chi phi chính thức.

Thủ tục kéo dài thêm 1 năm thì doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng bao nhiêu, chi phí điều hành bao nhiêu? Chưa ai nghiên cứu, nhưng không dưới 5% giá thành, buộc lòng doanh nghiệp phải tăng giá bán hay giảm chất lượng.

Tại Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, sửa đổi các quy định về cấp phép xây dựng để giảm thời gian cấp phép; tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh hơn trong việc thẩm định thiết kế, dự toán. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?

Cải thiện môi trường kinh doanh là yêu cầu bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Trước đây 6-7 năm, Bộ Xây dựng thống kê có 33 bước thủ tục xây dựng và tìm cách giảm, nhưng rất tiếc gần đây với tư duy "quản chặt" thì lại tăng thêm làm nhiều thêm và phức tạp hơn.

Thủ tục xin giấy phép xây dựng bây giờ quá khó và quá kéo dài. Theo tôi Bộ Xây dựng nên bỏ thẩm định thiết kế hoặc giao cho tư vấn làm, còn giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy và báo cáo tác động môi trường là của Bộ khác, doanh nghiệp có thể xin sau khi khởi công xây dựng. Như thế có thể giảm ít nhất 6 tháng thủ tục.

Xin cám ơn ông!

Hà Chính
(thực hiện)