Bản Để In

Hướng dẫn về chứng quyền có bảo đảm

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định việc chào bán, niêm yết, giao dịch, thanh toán, thực hiện chứng quyền có bảo đảm và hoạt động cung cấp thông tin liên quan đến chứng quyền có bảo đảm.

10/12/2021 10:33

Thời hạn của chứng quyền tính từ ngày chào bán đến ngày đáo hạn tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 2 năm 
Theo dự thảo, tổ chức phát hành chỉ được chào bán chứng quyền dựa trên chứng khoán cơ sở là chứng khoán trong danh sách chứng khoán đáp ứng điều kiện chào bán chứng quyền. Chứng khoán cơ sở của chứng quyền phải đáp ứng các điều kiện sau:

Là cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán tại Việt Nam đáp ứng tiêu chí về mức vốn hóa thị trường, mức độ thanh khoản, tỷ lệ tự do chuyển nhượng, kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở và các tiêu chí khác theo quy chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; chứng chỉ quỹ ETF niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán tại Việt Nam; chỉ số chứng khoán do Sở Giao dịch chứng khoán tại Việt Nam xây dựng hoặc phối hợp xây dựng và quản lý cùng tổ chức quốc tế sau khi đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận;

Không đang trong tình trạng bị cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng giao dịch, không trong diện hủy niêm yết theo quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán.

Tổ chức phát hành không được chào bán chứng quyền dựa trên cổ phiếu của chính tổ chức phát hành và chứng khoán của tổ chức là người có liên quan của tổ chức phát hành theo quy định tại Luật Chứng khoán.

Đăng ký chào bán, phân phối chứng quyền

Công ty chứng khoán đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 202 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP được đăng ký chào bán chứng quyền. Chứng quyền đăng ký chào bán lần đầu ra công chúng phải bao gồm các nội dung sau:

Kiểu chứng quyền, loại chứng quyền (mua hoặc bán) và phương thức thực hiện chứng quyền; thông tin về chứng khoán cơ sở đáp ứng các điều kiện quy định;

Thời hạn của chứng quyền tính từ ngày chào bán đến ngày đáo hạn tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 2 năm;

Giá thực hiện (chỉ số thực hiện), giá đăng ký chào bán, tỉ lệ chuyển đổi, hệ số nhân (trường hợp chứng quyền dựa trên chỉ số chứng khoán) thực hiện theo quy chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Số lượng chứng quyền đăng ký chào bán tối thiểu là 1.000.000 đơn vị và là bội số của 10; hạn mức chào bán đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư này.

Về tài sản bảo đảm thanh toán, dự thảo nêu rõ: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng quyền, tổ chức phát hành phải ký quỹ bảo đảm thanh toán tại ngân hàng lưu ký hoặc có văn bản xác nhận bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký. Giá trị tài sản bảo đảm phải duy trì tối thiểu 50% giá trị thị trường của khối lượng chứng quyền phát hành trong suốt thời gian có hiệu lực của chứng quyền. Tổ chức phát hành gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hợp đồng ký quỹ bảo đảm thanh toán ký với ngân hàng lưu ký hoặc văn bản xác nhận bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký trong vòng 24 giờ kể từ khi ký kết các văn bản trên.

Tài sản bảo đảm thanh toán là tiền hoặc chứng chỉ tiền gửi hoặc bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký. Tài sản bảo đảm thanh toán là tiền hoặc chứng chỉ tiền gửi phải được ký quỹ tại ngân hàng lưu ký trong suốt thời gian có hiệu lực của chứng quyền và duy trì tối thiểu là 50% giá trị chứng quyền đã phát hành, không tính số chứng quyền đã hủy niêm yết. Tài sản này không được dùng để cầm cố, thế chấp, làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay hoặc các nghĩa vụ tài chính khác của tổ chức phát hành hay của bất cứ bên thứ ba khác.

Việc phân phối chứng quyền chỉ được thực hiện sau khi tổ chức phát hành bảo đảm người mua chứng quyền tiếp cận Bản cáo bạch trong hồ sơ đăng ký chào bán và gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước văn bản xác nhận về tài sản bảo đảm thanh toán theo quy định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh