Bản Để In

Hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD

(Chinhphu.vn) – Đầu tuần tới, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và chủ trì hội nghị về phát triển ngành hàng mắc ca tại Việt Nam. Ngành hàng này đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, với kỳ vọng về một mô hình mẫu để doanh nghiệp lo cho nông dân, không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu, góp phần giữ vững an ninh – quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội và xử lý nhiều vấn đề môi trường.

09/24/2020 06:30
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các nhà đầu tư của Australia, trong chuyến thăm chính thức Australia, ngày 16/3/2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hội nghị này dự kiến được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk, cùng ngày với sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân lần thứ 3, một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Người đứng đầu Chính phủ với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như việc ông “chắt chiu” từng cơ hội lo phát triển kinh tế-xã hội.

Tháng 3/2018, giữa lịch trình dày đặc của chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại với 12 tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu của nước này. Tại đây, một câu hỏi được các tập đoàn này đặt ra: Chính phủ Việt Nam có ủng hộ ngành mắc ca ở Việt Nam không, có xem đây là ngành sản xuất nông nghiệp hay không?

Trước khi chuyển câu hỏi này cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Thủ tướng cho biết mắc ca ở Việt Nam tốt hơn ở Australia, sau đó ông cầm một hộp mắc ca “made in Việt Nam” mời các nhà đầu tư của Australia thưởng thức.

Một số mục tiêu phát triển cây mắc ca tại Việt Nam:

- Năm 2025 đạt 50.000 ha, 85 ngàn tấn hạt khô/năm; giá trị đạt khoảng 500 triệu USD/năm.

- Năm 2030, đạt khoảng 100.000 ha, 165 ngàn tấn hạt khô/năm và doanh thu ước đạt 1 tỷ USD.

Chính sách bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ việc bình ổn giá: Đảm bảo giá mắc ca trong nước đạt ít nhất 85% giá mắc ca tại thị trường Australia trong 10 năm tới.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho vay vốn trong vòng 15 năm và chỉ bắt đầu thu hồi vốn khi cây mắc ca được 5 tuổi, tức là tới khi có thu hoạch. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trên thị trường thế giới, nguồn cung mắc ca không đáp ứng đủ cầu. Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu trồng cây mắc ca, loại cây xuất xứ từ Australia, hơn 20 năm nay. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quan tâm đến các đối tượng sản xuất có giá trị cao kinh tế cho nông dân và nhà đầu tư. Trong đó, cây mắc ca là một đối tượng Chính phủ cho phép phát triển.

Thực tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, với tâm thế “tận dụng từng cơ hội phát triển nhỏ nhất”, Thủ tướng đã có những lưu ý tới việc phát triển cây mắc ca và ngành hàng này. Một năm trước chuyến thăm Australia, tháng 3/2017, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, Thủ tướng đã nhắc tới tiềm năng, thế mạnh phát triển mắc ca ở vùng Tây Nguyên.

Và trước đó, tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia tiếp tục đánh giá hiệu quả sản xuất của cây mắc ca để có các giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả, bền vững.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Tại cuộc làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định rằng, Bộ sẽ sát cánh với Hiệp hội và cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả chương trình trồng mắc ca. Bộ trưởng nhấn mạnh phải vào cuộc một cách quyết liệt và triển khai thực sự bài bản, tính toán dài hơi, phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

“Chúng ta phải hoạch định cho một chiến lược dài hơi sau năm 2020 tăng tốc như thế nào cho một ngành hàng nông nghiệp có giá trị lớn. Tôi yêu cầu các đơn vị phải vào cuộc với tinh thần chủ động nhất, tích cực nhất để triển khai có hiệu quả”, Bộ trưởng nói.

Sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ trước hội nghị về phát triển cây mắc ca, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, với chỉ đạo của Thủ tướng và sự vào cuộc của Bộ, cho đến nay, ngành hàng mắc ca Việt Nam đã được chuẩn bị tương đối kỹ và sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới.

Về mặt pháp lý, tháng 11/2018, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư công nhận mắc ca là 1 trong 20 loài cây trồng lâm nghiệp chính của Việt Nam. Theo ông Huỳnh Ngọc Huy, đây chính là cơ sở pháp lý rất quan trọng và là tiền đề để giải quyết một vấn đề nền tảng khác của ngành hàng mắc ca - vấn đề giống.

Chỉ khi có Thông tư này, thì các Sở NN&PTNT mới có quyền công nhận cây đầu dòng và từ đó có cơ sở pháp lý để triển khai các vườn ươm. Cho tới nay, công suất sản xuất giống mắc ca đã đạt khoảng 2,5 triệu cây giống chuẩn và có thể tăng lên ngay khi cần thiết.

Hiệp hội và các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành các hoạt động tập huấn cho nông dân. Cũng đã xuất hiện những mô hình trồng và chế biến mắc ca thành công. Về nguồn vốn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã vào cuộc với mô hình cho vay và quản lý dòng vốn theo chuỗi, quản lý chặt chẽ từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ…

Theo các chuyên gia, cây mắc ca được xác định là một cây lâm nghiệp đa mục tiêu: Kinh tế, xã hội và môi trường. Về mặt kinh tế - xã hội, người dân không chỉ có thể xóa đói giảm nghèo mà có thể làm giàu từ loài cây này. Về mặt môi trường, đây là loài cây được kỳ vọng sẽ góp phần giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Cây  mắc ca được đánh giá là có tiềm năng lớn ở vùng Tây Nguyên – một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt. Ngoài vấn đề kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhìn thấy ở cây mắc ca một giải pháp để xử lý các vấn đề môi trường.

Theo Thủ tướng, người từ đầu nhiệm kỳ đã kiên quyết ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên để “cứu” diện tích rừng còn lại ở Tây Nguyên, cây lâm nghiệp mắc ca có thể góp phần tái phục hồi lượng nước cần thiết, là một vấn đề rất lớn đặt ra ở vùng đất cao nguyên này, khi nước ngầm bị khai thác trong một thời gian ở mức độ cao.

Trong số nhiều mục tiêu phát triển ngành mắc ca ở Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Huy cho biết, trong 10 năm tới, sẽ phấn đấu đạt doanh thu 1 tỷ USD (phần lớn để xuất khẩu) và điều này phụ thuộc vào sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương…

Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Huy, phát triển mắc ca phải chú trọng đến liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà đầu tư (doanh nghiệp) và nhà khoa học. Nhà nước tạo cơ chế chính sách (về đất đai, về hạ tầng, về tín dụng...); nhà nông sử dụng đất đai, lao động để sản xuất; nhà đầu tư (doanh nghiệp) cung cấp vốn đầu tư, công nghệ, thu mua, chế biến và kết nối thị trường; nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ nỗ lực đóng vai trò sợi dây liên kết các nhà.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân và hội nghị phát triển cây mắc ca sắp diễn ra, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ hi vọng, những sự kiện này sẽ tiếp tục  hành trình lắng nghe, truyền lửa và tháo gỡ thiết thực cho sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn.

Những năm qua, nông nghiệp và nông dân đã làm nên điều kỳ tích: đưa đất nước từ thiếu đói sang đủ cái ăn và trở thành một cường quốc trong xuất khẩu. Nông nghiệp là bệ đỡ cho an sinh, mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nông thôn Việt Nam ngày nay đang thay da đổi thịt. Người nông dân có cuộc sống tốt hơn. Nhưng vẫn còn đó những khó khăn, cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội ở nông thôn còn thiếu thốn, trình trạng thiếu việc làm còn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó, đầu ra của nông sản hàng hóa còn bấp bênh, chuyển đổi đất đai còn chậm, vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh còn chưa tương xứng…

Cho nên hướng về nông dân, giải quyết khó khăn vướng mắc cho nông nghiệp, nông dân đang là một trong những chương trình nghị sự được quan tâm nhất trong hoạt động của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Chúng ta trân trọng khi ngoài những chuyến đi thực địa dày đặc, những hội nghị chuyên đề của Chính phủ bàn vấn đề này, từ năm 2018 đến nay, Thủ tướng đã “đến hẹn lại lên” định kỳ hằng năm gặp mặt và đối thoại với nông dân. Năm 2018 ở vựa lúa sông Hồng, 2019 ở đồng bằng sông Cửu Long và năm nay 2020 trên vùng đất Tây Nguyên, thủ phủ của cà phê, ca cao, mắc ca…


(còn tiếp)

Hà Chính