Bản Để In

Khắc phục tình trạng ‘thông đồng’, ‘dìm giá’, ‘sân sau’ trong đấu giá tài sản

(Chinhphu.vn) - Khắc phục tình trạng “quân xanh, quân đỏ” “sân sau”… là một trong những mục tiêu được Bộ Tư pháp đặt ra trong việc sớm ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

08/23/2021 03:04

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai. Ảnh: VGP
Người có tài sản đấu giá đặt ra các quy định ‘oái oăm’ 

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ sáng 23/8, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết: Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư hướng dẫn tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Việc ban hành Thông tư này sẽ khắc phục được các khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay, nhất là tình trạng “sân sau”, “quân xanh, quân đỏ”... trong việc lựa chọn tổ chức giá đấu giá tài sản. Khi Thông tư được ban hành sẽ tạo điều kiện bình đẳng cho các tổ chức đấu giá tài sản đủ năng lực, điều kiện, qua đó, bảo đảm cuộc đấu giá công khai, minh bạch, giảm thiểu tình trạng “thông đồng” “dìm giá”, gây thất thoát tài sản nhà nước và tài sản tổ chức, cá nhân.

Thực tế cho thấy việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện năng lực thực hiện cuộc đấu giá là một trong những yếu tố tiên quyết bảo đảm chất lượng và thành công của một cuộc đấu giá. Luật Đấu giá tài sản đã phân định rõ đây là trách nhiệm của người có tài sản.

Theo Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, thì sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản căn cứ vào các tiêu chí về phương án đấu giá; năng lực, kinh nghiệm, uy tín của tổ chức đấu giá; cơ sở vật chất, thù lao dịch vụ đấu giá... và các tiêu chí cụ thể khác phù hợp với tài sản do người có tài sản quyết định để lựa chọn tổ chức đấu giá có đủ năng lực thực hiện việc đấu giá tài sản.

Theo Cục Bổ trợ tư pháp, thực tiễn quản lý cho thấy việc thực hiện quy định lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của người có tài sản trong thời gian qua đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện tương đối tốt việc thông báo trên Cổng Thông tin đấu giá tài sản về cuộc đấu giá thì vẫn còn tình trạng người có tài sản không thông báo việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trên Cổng Thông tin đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Hình ảnh một phiên đấu giá tài sản.

Hạn chế gây thất thoát tài sản bán đấu giá

Bên cạnh đó, do quy định của Luật Đấu giá tài sản còn chung chung dẫn đến tình trạng một số người có tài sản khi đưa ra tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đã đề ra các tiêu chí chủ quan, thiếu minh bạch, không trực tiếp liên quan việc tổ chức cuộc đấu giá. Ví dụ như tiêu chí đấu giá viên đồng thời là luật sư có kinh nghiệm 10 năm hành nghề; đấu giá viên phải tốt nghiệp chuyên ngành hàng hải, điện lực, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội hoặc Đại học Luật TPHCM, hệ chính quy; đấu giá viên có học vị thạc sĩ, tiến sĩ; tổ chức đấu giá được lựa chọn phải có ít nhất 5 chi nhánh trong cả nước, có tên trong hệ thống đấu thầu quốc gia; có người tập sự hành nghề...

Việc đưa ra các tiêu chí như nêu trên đã tạo điều kiện cho việc lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản là “sân sau” của người có tài sản, có thể làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản như thông đồng giữa người có tài sản với tổ chức đấu giá tài sản, giữa tổ chức đấu giá tài sản với người tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản bán đấu giá (nhất là hiện nay hầu hết tài sản đấu giá là tài sản công trong đó 90% là quyền sử dụng đất).

Từ tình hình thực tiễn nêu trên, việc hướng dẫn thống nhất các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo hướng cụ thể hóa các tiêu chí quy định của Luật Đấu giá tài sản làm cơ sở cho người có tài sản thực hiện việc lựa chọn và thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thực tế là rất cần thiết.

Đẩy mạnh đấu giá trực tuyến để công khai, minh bạch, giảm chi phí

Theo bà Nguyễn Thị Mai, một trong các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng “thông đồng”, “dìm giá” là thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, đã được luật hóa tại Luật Đấu giá tài sản 2016 và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành.

Cụ thể, hình thức đấu giá trực tuyến theo Luật Đấu giá tài sản và Nghị định 62/2017/NĐ-CP không phải là đấu giá thông qua các sàn thương mại điện tử (nơi người mua và người bán có thể thỏa thuận với nhau về việc mua bán hàng hóa) mà việc đấu giá phải được thực hiện thông qua các Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản được cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Sở Tư pháp, phê duyệt. Pháp luật về đấu giá tài sản cũng quy định cụ thể, chặt chẽ điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch, an ninh, an toàn cho cuộc đấu giá và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.

Đấu giá trực tuyến có nhiều ưu điểm về tính công khai, minh bạch với toàn bộ trình tự, thủ tục đấu giá (ký kết hợp đồng, niêm yết, thông báo, nộp tiền đặt trước, trả giá...) đều được thực hiện qua mạng Internet, được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng (như mô hình đấu giá trực tuyến Onbid của Hàn Quốc, mô hình đấu giá trực tuyến của Anh, Pháp...). Đấu giá trực tuyến tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá. hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực thường thấy trong các cuộc đấu giá truyền thống, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự như “thông đồng”, “dìm giá”, “cò”, “xã hội đen”…

Điều này rất quan trọng trong bối cảnh ước tính khoảng 90% giá trị tài sản đấu giá ở Việt Nam là các cuộc đấu giá tài sản công. Trong công cuộc chuyển đổi số và bùng phát dịch COVID-19, đấu giá trực tuyến đáp ứng được yêu cầu xử lý tài sản nhanh gọn, hiệu quả và bảo đảm phòng chống dịch bệnh một cách tốt nhất.

Để đẩy mạnh sử dụng hình thức đấu giá trực tuyến, cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của tất cả các chủ thể có liên quan, đặc biệt là người có tài sản, như quy định bắt buộc đấu giá trực tuyến với các tài sản công có giá trị lớn tại các tỉnh, thành, nơi đáp ứng yêu cầu về tiếp cận công nghệ thông tin; nâng cao nhận thức, sự quan tâm của người có tài sản trong việc lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến, trong trường hợp điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cho phép thì người có tài sản quy định và yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản sử dụng hình thức đấu giá trực tuyến trong phương án đấu giá và hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

Khuyến khích các tổ chức đấu giá tài sản tiếp tục đầu tư, hoàn thiện Trang thông tin điện tử đấu giá tài sản bảo đảm an toàn, an ninh và hiệu quả của các cuộc đấu giá trực tuyến, tư vấn cho người có tài sản lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến; nâng cao hiểu biết và nhận thực của người dân, doanh nghiệp về tính ưu việt của hình thức này, hướng tới mục tiêu khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng hình thức đấu giá trực tuyến cho các cuộc đấu giá tài sản tự nguyện của mình như tranh, cổ vật, tài sản khác... góp phần hình thành một thị trường đấu giá chuyên nghiệp, văn minh.

Luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, có tình trạng một số tổ chức đấu giá tài sản trong bối cảnh giãn cách xã hội đã tổ chức thực hiện việc trả giá hoặc tổ chức buổi công bố giá thông qua các phần mềm ứng dụng như zoom, Zalo, gmail, Google meet…. và coi đây là đấu giá trực tuyến hoặc hình thức tham gia đấu giá hợp lệ. Hình thức tổ chức như vậy là chưa đúng với quy định của Luật Đấu giá tài sản, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP về đấu giá trực tuyến và có thể vi phạm các quy định về tham gia đấu giá, tham gia trả giá, giám sát cuộc đấu giá, biên bản cuộc đấu giá…

Lê Sơn