Bản Để In

Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý giao dịch điện tử lĩnh vực ngân hàng

(Chinhphu.vn) - Ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay và kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng".

12/15/2021 05:00
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: VGP

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, những tiến bộ về khoa học công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ vào các hoạt động đời sống kinh tế, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Đối với hoạt động ngân hàng, định danh khách hàng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo lành mạnh hệ thống ngân hàng, phòng ngừa rủi ro gian lận, rửa tiền, lừa đảo.

Hiện nay, các điều kiện kỹ thuật đã cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) định danh khách hàng bằng nhiều biện pháp trong xác định giấy tờ tùy thân của khách hàng kết hợp với các yếu tố nhận diện sinh trắc học (vân tay, mống mắt, giọng nói, khuôn mặt…).

Đáp ứng yêu cầu của ngành ngân hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định về việc gặp mặt trực tiếp khách hàng đối với giao dịch liên quan đến công nghệ mới. Theo đó, các TCTD "được quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, đối tượng báo cáo phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng". 

Tuy nhiên, các Thông tư hướng dẫn của NHNN quy định các hoạt động nghiệp vụ khác chưa quy định việc định danh khách hàng, đặc biệt Thông tư 01/2021/TT-NHNN về phát hành giấy tờ của TCTD vẫn còn quy định phải phát hành “trực tiếp” tại địa điểm mạng lưới của TCTD.

NHNN cũng chưa có quy định và cơ chế triển khai trong việc ngân hàng có thể định danh khách hàng dựa trên việc khai thác thông tin đã được định danh từ bên thứ 3 có các tiêu chuẩn tương đương như các ngân hàng đại lý, TCTD, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính (chứng khoán, bảo hiểm) hoặc việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, dịch vụ công, công ty viễn thông, điện, nước, các nguồn dữ liệu của các tổ chức khác ở Việt Nam, nước ngoài….

Do đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng NHNN cần nghiên cứu, xây dựng Thông tư về việc định danh khách hàng khi ngân hàng thiết lập quan hệ và cung cấp tất cả các dịch vụ tới khách hàng.

Về áp dụng chữ ký số, chữ ký điện tử trên chứng từ điện tử (chứng từ kế toán trong hoạt động ngân hàng), ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng hiện nay nhu cầu ký chứng từ kế toán bằng phương tiện điện tử là rất lớn. Ngành thuế hiện đã cho phép các doanh nghiệp có thể dùng 1 chữ ký số cho việc kê khai và hạch toán chuyển khoản nộp thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp thường chỉ có 1 chữ ký số của doanh nghiệp, do đó, việc yêu cầu phải có chữ ký điện tử của người đại diện hợp pháp, kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký thay trên chứng từ kế toán ngân hàng (ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, lệnh chuyển tiền…) là gây khó khăn và vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp trong giao dịch điện tử với ngân hàng, NHNN cho phép khách hàng chỉ cần ký 1 chữ ký số của doanh nghiệp trên các chứng từ kế toán trong hoạt động ngân hàng để thực hiện các giao dịch.

Về đăng ký, công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử, đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, mặc dù Luật Giao dịch điện tử đã có quy định về hợp đồng điện tử, thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, cho phép các bên được giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Tuy nhiên pháp luật về công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm lại chưa có quy định cụ thể.

Việc thiếu những quy định liên quan đến công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm đối với hợp đồng điện tử đã hạn chế các bên trong giao dịch bảo đảm lựa chọn hợp đồng điện tử để giao kết. Từ đó, đại diện Hiệp hội Ngân hàng đề xuất NHNN cần đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, ban hành quy định về công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm với các hợp đồng điện tử.

Đại diện Vụ Pháp chế NHNN cho hay NHNN trong quá trình lấy ý kiến và xây dựng các văn bản pháp luật đều được lấy ý kiến của các TCTD. Ngoài ra, NHNN cũng đăng tải các dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng như trang web của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, hạn chế được vướng mắc, bất cập, đại diện NHNN đề nghị các TCTD góp ý kịp thời với Ngân hàng Nhà nước.

Anh Minh