Bản Để In

Khi người Việt “dựng rào” với… hàng Việt

(Chinhphu.vn) - Dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 494/CT-TTg quy định về sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, thế nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp (DN) trong nước đã yếu về vốn, còn gặp khó trong cuộc cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài.

07/28/2015 03:00

Doanh nghiệp nội địa khó trúng thầu các dự án có giá trị lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh: VGP/Phương Dy

Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đánh giá, sau 5 năm (2010 – 2015) thực hiện chỉ thị 494/CT-TTg, dù đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chỉ thị.

Điển hình về hồ sơ mời thầu, nhiều địa phương, đơn vị đặt điều kiện tiên quyết là hàng ngoại nhập, do đó loại bỏ sự tham gia của hàng hóa sản xuất trong nước, ngay cả khi các sản phẩm này đã được Bộ Công Thương phê duyệt nằm trong “Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất”.

Theo Vụ Kế hoạch, thậm chí có những sản phẩm trong nước sản xuất được nhưng khi chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước thì trong hồ sơ mời thầu của gói thầu vẫn yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển, như G7, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, hoặc quy định sản phẩm phải nhập khẩu đồng hộ, nguyên chiếc. Như vậy, tuy các gói thầu không tổ chức đấu thầu quốc tế nhưng lại đưa ra các yêu cầu gây cản trở đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế khả năng tham gia cạnh tranh đấu thầu của các DN nội địa.

Ngoài nguyên nhân trên, thực tế nhiều hàng hóa trong nước sản xuất cũng còn hạn chế về chủng loại, chất lượng cũng khiến cơ hội cạnh tranh giảm đi ngay trên sân nhà đối với DN Việt. Điển hình như các thiết bị phụ tùng phục vụ cho sửa chữa các tổ máy tuabin khí, tuabin hơi đòi hỏi phải có chất lượng cao về kỹ thuật chế tạo và tuổi thọ. Do đó, hầu hết các dự án liên quan đến lĩnh vực này đều chọn giải pháp nhập khẩu từ nước ngoài để đảm bảo tính hệ thống và đồng bộ.

Ngay cả đối với các dự án ODA có quy mô lớn thì nhà tài trợ cũng yêu cầu phân chia gói thầu có giá trị lớn, vượt quá khả năng tham gia đấu thầu của các nhà thầu trong nước. Do đó, nhiều gói thầu khi tổ chức đấu thầu quốc tế có rất ít các nhà thầu Việt đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu, có chăng cũng chỉ tham gia ở vai trò nhà thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài.

Dẫn chứng trong ngành chế tạo máy nông nghiệp, ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc chi nhánh Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết, các DN nội địa trong ngành này đang phải cạnh tranh không bình đẳng với các sản phẩm ngoại nhập. Theo ông Tuấn, hiện thị trường máy nông nghiệp chủ yếu là máy kéo 2 – 4 bánh, động cơ và máy gặt đã qua sử dụng, nhưng vẫn được nhập khẩu tràn lan do giá rẻ. Trong khi đó, ngay cả VEAM cũng gặp vô vàn khó khăn do các sản phẩm (kém chất lượng – PV) nêu trên đã thâu tóm thị trường trong nước.

Tâm lý sính ngoại

Là DN trong lĩnh vực cơ khí chế tạo thiết bị ngành hàng đồ uống, ông Đinh Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty POLYCO phản ánh, ngoại trừ một số ít DN đầu ngành thì đa số các DN nội địa trong lĩnh vực này đều là các DN nhỏ và vừa nên nguồn vốn hạn chế, trang thiết bị lạc hậu nên năng lực thua kém hẳn so với các nhà thầu nước ngoài trong việc đấu thầu các dự án.

Ông Đinh Văn Thành cũng đánh giá trên thị trường xuất khẩu hiện nay, nhiều DN trong nước chỉ tham gia được làm thầu phụ cho DN nước ngoài mà chưa chủ động tiếp cận được thị trường thế giới. Điều này còn được lý giải do trở ngại về ngôn ngữ, sự thiếu thông hiểu về luật pháp quốc tế, chưa có điều kiện nghiên cứu thị trường, hoặc chưa áp dụng các chương trình quản lý chất lượng của châu Ân, Mỹ, Nhật,…

Trong ngành thang máy, ông Trần Thọ Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam cũng phản ánh thực tế các DN cơ khí nói chung và DN tháng máy nói riêng đang phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh, đặc biệt là chịu nhiều thiệt thòi do sự không công bằng trong việc tham gia các gói thầu trong nước. Hiện nay, Thiên Nam chủ yếu dựa vào thị trường hơn 90% khách hàng là căn hộ gia đình cho đến các dự án chung cư cao tầng, trong khi đối với các công trình có vốn ngân sách thì rất khó “chen chân” bởi hầu hết yêu cầu sử dụng hàng hóa ngoại nhập cùng loại.

Theo ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai, các chủ đầu tư/đơn vị tư vấn đấu thầu xuất phát từ tâm lý sính ngoại cao, coi thiết bị ngoại nhập luôn luôn tốt hơn hàng sản xuất trong nước, đã vi phạm pháp luật khi tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, hiện nay các chế tài xử phạt đều chưa đủ răn đe. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các đơn vị không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Đối với lĩnh vực sản xuất thiết bị điện trong nước, ông Nguyễn Ngọc Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Điện Trường Giang (TGE) chỉ ra thực trạng trong các gói thầu lớn sử dụng nguồn vốn ODA, tư vấn thiết kế nước ngoài thường viết hồ sơ kỹ thuật bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước. Tại hầu hết các gói thầu quốc tế lớn, DN trong nước không có cơ hội tham gia thầu do hồ sơ thầu yêu cầu nhiều điều kiện mà DN Việt khó đáp ứng.

Từ thực trạng nêu trên, Vụ Kế hoạch đang tham mưu cho Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, UBND các tỉnh/thành thực hiện nghiêm chỉ thị 494/CT-TTg; trong khi tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các DN trong nước nâng cao năng lực đấu thầu các dự án trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước đạt chuẩn để thay thế hàng ngoại nhập. Từ đó, tham mưu, đề xuất Chính phủ trong chỉ đạo hoạt động nhập khẩu hợp lý hơn, xóa bỏ rào cản để các DN nội địa vươn tầm quốc tế.

Phương Dy