Bản Để In

"Không có ngoại ngữ giống như ra trận không có súng"

(Chinhphu.vn) - Quyết định đưa ngoại ngữ trở lại danh sách môn thi bắt buộc trong cả 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là thông điệp cho toàn xã hội, rằng từ nay, ngoại ngữ quan trọng không kém Toán, Văn.

07/30/2014 01:31

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần có lộ trình, các bước đi phù hợp với từng vùng miền, để tiến tới thế hệ trẻ Việt Nam thông thạo ngoại ngữ, dù ở bất cứ khu vực, vùng miền nào. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chia sẻ thêm với các đại biểu tại Hội nghị triển khai năm học mới của Bộ GDĐT (ngày 29/7), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Có người ví von bây giờ không có ngoại ngữ giống như ra trận không có súng. Không được quên bây giờ Việt Nam thực sự là một bộ phận của nền kinh tế thế giới. Chúng ta đào tạo con em tới đây phải là công dân toàn cầu”.

Theo Phó Thủ tướng, định hướng cho con em học, thi bắt buộc môn ngoại ngữ không có nghĩa là chúng ta yêu cầu ngay lập tức học sinh ở miền núi cũng phải giỏi, thông thạo như ở TPHCM hay Hà Nội. Do đó cần có lộ trình, các bước đi phù hợp với từng vùng miền, để tiến tới thế hệ trẻ Việt Nam thông thạo ngoại ngữ, dù ở bất cứ khu vực, vùng miền nào.

“Tôi rất hoan nghênh quan điểm của Bộ GDĐT tiến tới thi ngoại ngữ giống như quốc tế. Thậm chí, đối với những cháu có bằng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, như TOEFL, IELTS, nếu không có nhu cầu lấy điểm ngoại ngữ cao để vào đại học thì có thể miễn. Còn với các cháu ở miền núi thì chúng ta ra đề làm sao để các cháu đỗ đúng trình độ”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Để tăng cường hiệu quả triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2014-2015 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã có chỉ thị toàn ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Theo đó, các Sở GDĐT địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, chuyển định hướng chương trình từ dạy học ngôn ngữ sang dạy học giao tiếp. Nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực tiếng, phương pháp dạy học (nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá) của đội ngũ giáo viên, triển khai hệ thống mới về khảo thí năng lực ngoại ngữ.

Toàn ngành Giáo dục khẩn trương hoàn thành công tác rà soát năng lực ngoại ngữ của giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cấp học và trình độ đào tạo. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu bồi dưỡng đạt chuẩn và nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tế từng địa phương, trường học để lập kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, giảng viên hiệu quả, chất lượng.

Đồng thời, thu hút và huy động các nguồn lực quốc tế, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, giảng viên, tình nguyện viên bản ngữ tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ và bồi dưỡng nâng cap năng lực đội ngũ giảng viên, giáo viên trong nước.

Phương thức thi, kiểm tra đánh giá phải được đổi mới với việc xây dựng và hoàn thiện ngân hàng đề thi quốc gia; tăng cường bồi dưỡng đội ngũ viết câu hỏi thi, giám khảo chấm thi nói, thi viết phục vụ đổi mới thi, kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ. Bộ GDĐT sẽ thành lập và đưa trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia vào hoạt động; hình thành hệ thống các trung tâm được ủy quyền tổ chức thi trên cả nước. Bộ cũng tính tới chuyện trước mắt có thể liên kết với các tổ chức khảo thí nước ngoài có uy tín, có giải pháp khả thi để tổ chức kiểm tra, đánh giá công nhận trình độ năng lực ngoại ngữ của giáo viên và học sinh cấp học cũng như trình độ đào tạo.

Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị thiết yếu phục vụ đổi mới dạy học ngoại ngữ theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm học liệu, các tài liệu điện tử, các hoạt động ngoại khóa, giao lưu quốc tế nhằm tạo môi trường sử dụng ngoại ngữ.

Đề án ngoại ngữ quốc gia nếu triển khai hiệu quả, sẽ là cơ sở cho những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với tiêu chí coi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc.

Đình Nam