Bản Để In

Khuyến mãi mấy cũng chỉ dừng ở… 50%

(Chinhphu.vn) - Góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2006/NĐ-CP về hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều DN cho rằng việc cấm giảm giá quá 50% gây cản trở cho DN mới gia nhập thị trường.

07/31/2017 05:39

Được biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định này về hoạt động xúc tiến thương mại đã được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến góp ý. Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các doanh nghiệp này đều cho rằng, dự thảo dù đã có những sửa đổi nhất định nhưng vẫn chưa theo kịp thực tế cuộc sống.

Việc cấm giảm giá quá 50% gây cản trở cho DN mới gia nhập thị trường.

Một trong những sửa đổi quan trọng tại dự thảo lần này chính là quy định: “Thương nhân có thể giảm giá tối đa 70% trong các trường hợp khuyến mãi theo các chương trình tập trung (tháng khuyến mãi, mùa khuyến mãi, tuần lễ khuyến mãi, ngày khuyến mãi…) do Nhà nước chủ trì tổ chức hoặc khuyến mãi theo các chương trình xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh quy định. Đối với các trường hợp khuyến mãi khác vẫn duy trì hạn mức tối đa là 50% như hiện nay”.

Bình luận về sửa đổi quan trọng này, đại diện một công ty trong ngành công nghệ thông tin cho rằng, nên để DN tự quyết định giá sản phẩm của mình, cơ quan quản lý chỉ cần kiểm tra chặt về chất lượng sản phẩm.

“Công nghệ thế giới thay đổi cực nhanh. Những sản phẩm có tuổi đời ngắn thường chỉ sau sáu tháng có thể đã lỗi thời, sau một năm càng khó bán. Vì vậy, công ty rất muốn giảm giá mạnh các sản phẩm này để thay thế sản phẩm mới, thậm chí chấp nhận lỗ để giải phóng hàng tồn nhưng rất khó khăn vì quy định tối đa chỉ được giảm 50%”, vị này nói.

Không chỉ riêng đối với ngành công nghệ thông tin mà các ngành khác cũng tương tự như vậy. Ví dụ như với ngành công nghiệp thời trang, các mẫu mã thiết kế thời trang thường thay đổi rất nhanh và thay đổi theo mùa, hết mùa là phải giải quyết hàng tồn kho. Thế nhưng, nếu như DN muốn bán hàng tồn kho của mình với mức giả rẻ hơn 50% để xả hết hàng thì cũng không được bởi “quy định không cho phép”

“Quy định này rất khó hiểu, bất hợp lý và không thực tế nhưng đã tồn tại hơn 10 năm qua” - đại diện một công ty may mặc nói.

Với kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc với DN, Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang cho rằng, quy định không nên khống chế mức trần khuyến mãi bởi điều này sẽ tác động tích cự đến lợi ích người tiêu dùng

“Tôi cho rằng không nên khống chế trần khuyến mãi vì lợi ích trực tiếp mang lại cho người tiêu dùng. Cơ quan chức năng chỉ nên kiểm tra, xử lý những đơn vị khuyến mãi lừa đảo, gian lận.” - luật sư Xoa đề nghị.

Theo quan điểm của ông Thoa, nếu dự thảo tiếp tục giữ mức giá trần như vậy thì không ổn bởi trong nhiều trường hợp, quy định sẽ cản trở khả năng thu hồi vốn của DN.

“Khách hàng của tôi có người đang kinh doanh trong lĩnh vực thời trang nay muốn chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác. Để nhanh chóng thu hồi vốn, vị khách hàng này muốn giảm giá mạnh các sản phần tồn đọng của mình. Thế nhưng, quy định lại không cho phép giảm giá trên 50% nên quá trình giảm giá, thu hồi vốn nhanh phần nào bị ảnh hưởng”, ông Xoa kể lại.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quy định về mức trần giảm giá hiện nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường.

“Quy định về mức trần giảm giá không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy các hình thức khuyến mãi có tác dụng tích cực tới hoạt động kinh doanh của DN. Đặc biệt khi một DN mới kinh doanh, khách hàng chưa nhiều thì cần phải khuyến mãi để khách hàng biết đến thay vì quảng cáo tốn nhiều chi phí hơn. Vì vậy, việc cấm giảm giá quá 50% gây cản trở cho DN mới gia nhập thị trường. Mặt khác, việc đặt ra quy định khống chế như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường cạnh tranh của DN Việt Nam”, ông Hiếu nói.

Không nên cố định vài hình thức khuyến mại

Một bất cập khác của dự thảo cũng được Luật sư Xoa chỉ ra, theo đó, ông Xoa cho rằng, việc quy định một vài hình thức khuyến mãi cố định sẽ cản trở quyền tự do kinh doanh của DN.

“Dự thảo chỉ đưa ra một vài hình thức khuyến mãi, trong khi thực tế hiện nay đã xuất hiện rất nhiều hình thức khuyến mãi mới, khác so với các hình thức truyền thống. Vì vậy, cần bổ sung thêm nhiều trường hợp khuyến mãi chứ không nên cố định vài hình thức. Mặt khác, chỉ nên đưa ra những trường hợp khuyến mãi bị cấm, còn DN được tự do khuyến mãi với nhiều hình thức”, ông Xoa nói.

Cũng theo ông Thoa, quy định DN nếu muốn khuyến mãi trên địa bàn một tỉnh phải đăng ký với Sở Công Thương; tổ chức trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên phải đăng ký với Bộ Công Thương… đang làm mất rất nhiều thời gian, chi phí cho DN.

“Đáng nói DN phải thông báo khuyến mãi đúng quy định thì mới được miễn thuế giá trị gia tăng 10%, nếu không sẽ phải chịu số thuế này. Đây là vấn đề mà DN kêu rất nhiều vì cứ nghĩ gửi thông báo là xong nhiệm vụ nhưng không có văn bản trả lời chấp nhận chương trình khuyến mãi của Bộ Công Thương thì chịu thiệt” - luật sư Xoa nói.

Cùng chịu chung những khó khăn trên, đại diện Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hòa cho rằng, quy định như hiện nay đang phần nào gây khó khăn cho DN. Từ đó, vị đại diện này đề xuất các thủ tục giấy tờ đăng ký khuyến mãi nên rõ ràng và nhanh chóng xét duyệt cho DN. Thời hạn xét duyệt khi đăng ký không nhiều bước để DN liên tục có các chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng.

Chưa dừng lại ở đó, những thủ tục, quy định bấp cập trong các thỷ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xúc tiến thương mại, khuyến mãi không rõ ràng, cụ thể và rất phức tạp đã gây trở ngại, tốn kém thời gian và tiền bạc của các thương nhân.

“Chúng tôi có rạp chiếu phim khắp trên cả nước. Khi có chương trình khuyến mãi trên diện rộng, DN muốn đăng ký một nơi, một đầu mối cho thuận tiện nhưng theo quy định tổ chức ở tỉnh, thành nào thì phải đăng ký ở tỉnh, thành đó. Thế nên sau khi ra Bộ Công Thương gửi thông báo chương trình khuyến mãi, chúng tôi lại tiếp tục phải vào gửi thông báo chương trình khuyến mãi đã được Bộ chấp thuận cho Sở Công Thương ở các tỉnh, thành. Trong khi đó chương trình khuyến mãi DN phải làm nhanh, nếu không sẽ bị đối thủ khác cạnh tranh nhưng do phải đi đăng ký ở từng địa phương, đến khi nhận được thông báo đồng ý thì chương trình triển khai bị chậm trễ, làm mất cơ hội của DN”, đại diện Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam than thở.

Huyền Trang
Theo http://enternews.vn