Bản Để In

Kịch bản xấu của chăn nuôi trong TPP “đã rõ”

(Chinhphu.vn) – Một dự báo không mấy lạc quan về triển vọng ngành chăn nuôi Việt Nam vừa được giới nghiên cứu đưa ra, trong khi Cục Chăn nuôi thừa nhận “kịch bản xấu của chăn nuôi trong TPP đã rõ”.

08/04/2015 09:00
Thịt gà Mỹ bán tại Việt Nam
Câu chuyện thịt gà nhập khẩu từ Mỹ với giá rẻ lấn sân thịt gà trong nước hiện đang nóng hổi trong bối cảnh đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ở giai đoạn đàm phán cuối cùng.

Phía Mỹ có bán phá giá hay không – chưa có kết luận cuối cùng, nhưng đây có thể là một ví dụ điển hình cho thấy những khó khăn mà ngành chăn nuôi Việt Nam phải đối mặt thời gian tới.

Chăn nuôi “đau đớn” hơn cả

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) được công bố tại một hội thảo ngày 3/8, nếu dệt may, da giày hay thủy sản sẽ có nhiều lợi thế khi tham gia TPP thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nhiều thách thức nhất và ngành này sẽ gánh chịu tác động “đau đớn” hơn cả.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho rằng ngành chăn nuôi chịu tác động tiêu cực nhiều nhất khi Việt Nam tham gia TPP.

Hiện quy mô ngành chăn nuôi trong nước hiện khá nhỏ lẻ và phân tán: Có gần 10 triệu hộ gia đình coi chăn nuôi gia súc, gia cầm là sinh kế và cung cấp khoảng 50% tổng sản phẩm thịt toàn ngành.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, TPP không phải là sân chơi toàn thắng (win - win) cho mọi ngành và lĩnh vực. Về cơ sở đánh giá lợi thế so sánh, hiện ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn ở quy mô sản xuất nhỏ, lệ thuộc vào nhập khẩu dẫn đến năng suất, cạnh tranh yếu, không thể cạnh tranh được với các nước đi đầu về nông nghiệp hiện đại như Mỹ, Nhật Bản...

Trong khi đó, với mức thuế giảm nhanh, nhu cầu tiêu dùng cao, thu nhập được cải thiện, các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi như thịt, sữa sẽ được hưởng lợi và sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh đối với các DN cùng lĩnh vực trong nước.

Ngay từ hiện nay, xu hướng nhập khẩu thịt động vật như trâu, bò Úc, New Zealand, Ấn Độ, Mỹ… ngày càng gia tăng. Sản phẩm sữa các loại từ các nước trên cũng sẽ tăng cả về khối lượng lẫn giá trị. Theo VEPR, hiện dù được áp dụng thuế từ 20-40% nhưng thịt gà, thịt bò của nước ngoài đã vào Việt Nam và chiếm lợi thế lớn.

Liên quan đến câu chuyện thịt gà Mỹ, hiện nhiều hộ nông dân đang nuôi gia công gà công nghiệp lông trắng cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam – một đơn vị chăn nuôi hàng đầu trong nước - với giá thành xuất chuồng từ 29.000 – 30.000 đồng/kg gà hơi. Mức giá bán này không thể cạnh tranh được với giá bán thịt gà từ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Một trường hợp khác là sản phẩm thịt lợn trong nước thường được bán 45.000 – 55.000 đồng/kg lợn hơi nhưng tại thị trường Chicago (Hoa Kỳ), thịt lợn được bán với giá chỉ từ 85-90 cent/kg (khoảng 20.000 đồng/kg).

Con gà “cõng” phí

Trong khi đó, ngành chăn nuôi lại đang chịu không ít gánh nặng khác. Theo ông Nguyễn Đức Thành, các loại phí còn cao, phức tạp, chồng chéo và không hợp lý, như trường hợp con gà và trứng gà phải “cõng” 14 đến 17 loại thuế và phí khác nhau từ thuế nhập khẩu thức ăn, phân bón, thuốc từ sâu, thuốc thú y đến thuế VAT và các loại phí kiểm dịch. Bộ NNPTNT đã có động thái xử lý, nhưng các biện pháp còn mang tính đơn lẻ thay vì có hệ thống và toàn diện.

Ông Tống Xuân Chinh thừa nhận rằng trong hội nhập có ngành hưởng lợi thì phải có ngành bất lợi, không thể được tất cả. “Chúng ta không thể cạnh tranh với Mỹ được vì nông nghiệp của họ quá hiện đại từ con giống đến khi thu hoạch, quy trình đều chặt chẽ. Kịch bản xấu của chăn nuôi trong TPP đã rõ, phía Bộ NNPTNN đã có sự chuẩn bị kĩ về chính sách ứng phó", ông Chinh cho biết.

Ông Tống Xuân Chinh cho hay, chi phí đội giá thành sản xuất trong ngành chăn nuôi ở Việt Nam, trong đó khoảng 6-7% về giống, 9-10% về thức ăn, các khâu trung gian về giết mổ là 8-12%. Khi so sánh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài sẽ thấy, chi phí trung gian ở Việt Nam rất lớn.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, nếu các hộ chăn nuôi Việt Nam được tổ chức, liên kết sản xuất thông qua mô hình hợp tác xã, tổ, đội nhóm, bằng cách ký hợp đồng thu mua sản phẩm chăn nuôi với các doanh nghiệp xuất khẩu thì ngành chăn nuôi trong nước có thể giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh được khi tham gia TPP.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NNPTNT xây dựng đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và chính sách hỗ trợ như Nghị định 210/2013/NĐ-CP hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, một nghị định về hợp tác xã nông nghiệp cũng đang được xây dựng để khuyến khích các hộ nông dân liên kết trong sản xuất.

Thành Đạt