chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
Ảnh minh họa |
Công ty này cho biết khi thuê các DN trong nước gia công hàng để xuất đi, do liên quan đến thuế xuất nhập khẩu, hải quan sẽ kiểm tra DN nhận gia công xem máy móc thế nào, hồ sơ máy móc có đủ không, thuê mặt bằng ra sao… Công ty phản ánh, nhiều khi máy móc của đối tác rất tốt nhưng thiếu giấy tờ, tìm lại rất lâu, thế là phải chờ, nếu không có là hải quan không cho làm.
“Khi họ có giấy phép kinh doanh là họ đã có đủ điều kiện rồi. Hơn nữa, chúng tôi mới chính là người đánh giá năng lực của họ tốt nhất. Chúng tôi muốn nội địa hóa càng nhiều càng tốt, nhưng những quy định như vậy khiến chúng tôi đành thuê DN nước ngoài”, đại diện công ty FDI nói và nhắc lại câu chuyện buồn là tại sao DN Việt vẫn chưa làm nổi con ốc vít cho Samsung.
Tại hội thảo mới đây do Tổng cục Hải quan tổ chức, vấn đề tiếp tục được nhắc lại. Theo phản ánh của một số DN chế xuất, khi thuê DN nội địa gia công sản phẩm, cơ quan Hải quan phải kiểm tra cơ sở, năng lực sản xuất của DN nội địa thì mới cho thực hiện gia công và khi kiểm tra doanhh nghiệp nội địa phải xuất trình tờ khai nhập khẩu hoặc hóa đơn mua máy móc thiết bị. Việc này gây khó khăn cho DN nội địa do một số trường hợp không có tờ khai nhập khẩu, hóa đơn mua hàng do DN chuyển đổi, chia tách .
Mặc dù theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, vật tư, máy móc đầu tiên phải thông báo cơ sở sản xuất cho cơ quan Hải quan (là nơi làm thủ tục nhập khẩu, nơi nộp báo cáo quyết toán) và trong quá trình sản xuất nếu có thay đổi về quy mô, địa điểm sẽ phải thông báo lại cho cơ quan Hải quan.
Trả lời vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan Âu Anh Tuấn cho biết việc kiểm tra trong mọi trường hợp là không đúng.
Cụ thể, cơ quan Hải quan sẽ tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất đối với trường hợp lần đầu tiên thực hiện hoạt động gia công, lần đầu được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với hoạt động SXXK và trường hợp có dấu hiệu tổ chức, cá nhân không có cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu nguyên liệu, vật tư tăng giảm bất thường so với năng lực sản xuất.
Như vậy, không phải đối với trường hợp nào cơ quan Hải quan cũng tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất và không có quy định phải kiểm tra xong thì mới được mở tờ khai hải quan, ông Âu Anh Tuấn khẳng định.
Cách thức tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất đã được quy định cụ thể tại Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính một cách minh bạch, rõ ràng.
Theo đó, khi kiểm tra cơ quan Hải quan có quyết định kiểm tra và quá trình kiểm tra bao gồm việc kiểm tra nhà xưởng, máy móc, thiết bị thông qua việc chứng minh quyền sử dụng [tờ khai nhập khẩu (nếu nhập khẩu máy móc), hóa đơn mua hàng (nếu mua nội địa) hoặc đối chiếu sổ sách, chứng từ kế toán]; kiểm tra tình trạng nhân lực tham gia dây chuyền sản xuất thông qua hợp đồng, bảng lương; kiểm tra hệ thống sổ sách kế toán theo dõi, quản lý nguyên liệu, sản phẩm.
Trường hợp DN không có tờ khai nhập khẩu máy móc thiết bị hoặc không có hóa đơn mua hàng thì cơ quan Hải quan sẽ căn cứ vào sổ sách kế toán để xác định.
Theo ông Tuấn, việc kiểm tra cơ sở sản xuất như trên nhằm xác định tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư được ưu đãi (miễn thuế, ân hạn thuế) có tổ chức sản xuất thật, tránh những đối tượng lợi dụng gian lận bằng cách nhập khẩu nguyên liệu, vật tư không có cơ sở sản xuất rồi bán vào thị trường nội địa để trốn thuế. Điều này phù hợp với khuyến nghị của Công ước Kyoto về quản lý điều kiện đối với hoạt động được ưu đãi và cũng phù hợp với định hướng quản lý chặt chẽ về cơ sở sản xuất khi thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thành Đạt