Bản Để In

Kiểm tra tại chỗ, doanh nghiệp đỡ “mỏi chân chạy”

(Chinhphu.vn) - Việc kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu theo cơ chế hiện nay đang khiến doanh nghiệp phải chờ đợi lâu và “chạy đi chạy lại” rất nhiều lần, qua nhiều nơi.

08/21/2014 03:31

 

Lực lượng Hải quan - Biên phòng phối hợp kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu-Ảnh Báo Hải quan

Tại cuộc trao đổi với Bộ Tài chính ngày 19/8 về cải cách thủ tục thuế, hải quan, đại diện doanh nghiệp phàn nàn vẫn phải “chạy” từ Quảng Ninh, Hải Phòng... lên Hà Nội để xin được cấp giấy phép chứng nhận tiêu chuẩn hàng hóa, rồi kiểm dịch động thực vật của các cơ quan quản lý. Còn muốn nhập khẩu thực phẩm, doanh nghiệp phải đến gõ cửa Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trong thời gian thông quan hiện nay, thủ tục hải quan chỉ chiếm 28%, còn thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72%. Thống kê ban đầu, trong số 5,7 triệu lô hàng xuất nhập khẩu một năm có 34% tổng số hàng hóa thuộc loại phải kiểm tra chuyên ngành.

Tại Hải quan Hà Nội, địa bàn trung tâm tập trung nhiều điều kiện thuận lợi để các cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện chức năng kiểm tra, thời gian dài nhất cũng kéo dài khoảng 30 ngày. Riêng tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, động vật giống phải đưa về khu cách ly, thông thường phải mất từ 30 đến 90 ngày. Thậm chí, thời gian để có kết quả kiểm tra với với thang máy nhập khẩu thực hiện dự án đầu tư lên tới… 6 tháng.

Trước thực tế này, tại Chỉ thị ngày 5/8 vừa qua về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng các Đề án về “Cơ chế kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu”.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, mới đây, Thứ trướng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã cùng với lãnh đạo Tổng cục Hải quan làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ để bàn về các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Theo báo Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã đề xuất phương án tổ chức bộ máy kiểm tra chuyên ngành với hai cấp độ thực hiện đồng thời trong giai đoạn 2014-2016.

Một là, xây dựng Trung tâm kiểm tra chuyên ngành cấp vùng tại các khu vực cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Hai là, tăng cường bộ máy kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu biên giới đường bộ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng thêm chi nhánh Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới đường bộ để thực hiện những chức năng kiểm tra chuyên ngành do Bộ Khoa học và Công nghệ và một số Bộ ủy quyền, chịu sự kiểm tra giám sát của bộ, ngành…

Những đề xuất của Bộ Tài chính đã phần nào nhận được sự đồng tình của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ, tích cực với Bộ Tài chính để xây dựng Đề án “Cơ chế kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”. Bên canh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành để giảm những văn bản không cần thiết.

Một giải pháp khác, được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ tại cuộc trao đổi ngày 19/8, đó là thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro.

Theo nguyên tắc này, không thể đánh đồng tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu mà phải tăng cường kiểm tra hàng nhập từ khu vực, thị trường có nhiều rủi ro.

“Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ cho phép kiểm tra sau hoặc kiểm tra xác suất với hàng nhập khẩu từ các thị trường có tiêu chuẩn cao như EU, Nhật Bản... Thậm chí có thể công nhận tiêu chuẩn của các nước EU để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Còn đối với các nước rủi ro thì phải có tiêu chuẩn và kiểm tra” - ông Tuấn được báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Để ngăn chặn tình trạng các thông tư không quy định tiêu chuẩn cụ thể, Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Chính phủ yêu cầu các Bộ phải công bố tiêu chuẩn hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý ngay trong năm nay. Nếu Bộ nào không ban hành thì phải chịu trách nhiệm với Chính phủ.

Hà Chính (tổng hợp)