chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, trong 4 tiếng, Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm góp phần giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 đã ghi nhận hơn 30 ý kiến, đề xuất của đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cùng 26 phần trả lời của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến một số vấn đề như: Thực hiện nhanh chóng việc nhập cảnh, cách ly cho doanh nhân, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, sửa đổi Luật Đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hỗ trợ phát triển năng lượng mặt trời, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, logistics …
Thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư còn phức tạp
Nêu ý kiến liên quan sửa đổi Luật Đầu tư, đại diện Samsung cho hay, theo Luật Đầu tư Việt Nam, nếu số vốn đầu tư tăng hoặc giảm nhiều hơn một tỉ lệ nhất định thì sẽ phải điều chỉnh và thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, thủ tục thực hiện thì lại rất phức tạp, tốn nhiều thời gian nên các doanh nghiệp thường hay lo lắng về hiệu quả đầu tư, nhất là với ngành IT - vốn rất quan trọng về thời điểm đầu tư.
"Một công ty con của Samsung bị mất nhiều tháng để thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm ngoái và cũng suýt bị lỡ mất việc sản xuất sản phẩm mới", đại diện Samsung nêu và cho biết nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam, Samsung đã giải quyết được mà không gặp vấn đề gì lớn, nhưng các công ty khác thì vẫn có thể gặp các khó khăn tương tự như vậy.
Đại diện Samsung cho rằng nếu đầu tư thực tế giảm so với số vốn đầu tư đã cam kết (từ 10% trở lên) thì doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. DN mong Chính phủ Việt Nam xem xét đến các phương án cải thiện để doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian cho các thủ tục điều chỉnh phức tạp và có thể đầu tư thêm dễ dàng và nhanh chóng hơn, trong trường doanh nghiệp tăng số vốn đầu tư.
Về xuất nhập khẩu, đại diện Samsung cho rằng các vấn đề về logistics như thủ tục hải quan quốc tế liên tục phát sinh do tác động từ đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn. Nhiều công ty xuất khẩu ở Việt Nam đang gặp ít nhiều khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu và logistics cho xuất khẩu sản phẩm.
Ngoài ra, do việc tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế như châu Âu là thị trường khai thác chính, nên ngành logistics hàng không cũng đang gặp nhiều khó khăn về phương diện thời gian và chi phí. DN cho rằng nếu có thể chuyển đổi số máy bay còn lại của Việt Nam - nơi có nhiều đường bay thăng đến châu Âu sang thành máy bay chở hàng tạm thời, thì điều này được kỳ vọng có thể giúp cả hãng hàng không và DN xuất khẩu được hưởng các lợi ích kinh tế.
Giám đốc Tập đoàn Lotte Kim Gun Ha nêu ý kiến đa số các công ty Hàn Quốc hiện đang tiến hành các dự án đầu tư và phát triển bất động sản tại Việt Nam đều đang phải đối mặt với vấn để chậm trễ trong cấp giấy phép kinh doanh, đặc biệt là khu Thủ Thiêm (TPHCM).
Doanh thu bị giảm rõ rệt do sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, đại diện Tập đoàn Hyosung Việt Nam đề nghị gia hạn thêm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ hiện tại là gia hạn thêm 5 tháng đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của quý II/2020, xem xét cho doanh nghiệp gia hạn thêm cả thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý III, IV/2020 cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp dời thời gian kiểm toán định kỳ sang năm sau để doanh nghiệp có thể giảm bớt gánh nặng về nhân lực và vật chất…
Đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Xây dựng một hệ thống hành chính thân thiện với doanh nghiệp
Về việc cải thiện thủ tục hành chính, Chủ tịch Korcham Trung Nam Bộ Kim Heung Soo cho biết, có nhiều trường hợp, các cán bộ phụ trách của các bộ, ban, ngành luôn đặt lập trường của bản thân lên hàng đầu và hoàn toàn không suy xét đến lập trường của các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với hệ thống hành chính liên quan đến đầu tư, Chính phủ Việt Nam nên xây dựng một cấu trúc hệ thống tập trung vào các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đại diện Korcham Trung Nam Bộ kiến nghị tất cả các cơ quan của Chính phủ Việt Nam nên hướng đến sự tinh giản hóa thủ tục hành chính về kinh doanh. Khi công dân hoặc doanh nghiệp hỏi về các chế độ và thủ tục hành chính, thì các cơ quan Chính phủ nên phúc đáp cho công dân và doanh nghiệp càng nhanh càng tốt.
Bỏi nếu thiếu thông tin do mới vào thị trường Việt Nam hoặc do luật và quy định pháp luạt bị thay đổi, cơ quan có thẩm quyền sẽ khó có thể chủ động cung cấp thông tin, nhưng cần chỉ định người phụ trách để có thể cung cấp thông tin rõ ràng cho doanh nghiệp, khi được yêu cầu tư vấn. Chính phủ Việt Nam nên hệ thống hóa điều này để có thể đưa ra câu trả lời kịp thời cho các câu hỏi của doanh nghiệp. Vì 1 phút và 1 giây trong lĩnh vực kinh doanh cũng rất quan trọng, nên chính phủ càn phải liên tục đào tạo cho các cán bộ liên quan.
“Nếu Chính phủ Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống hành chính thân thiện với doanh nghiệp thì Việt Nam sẽ có thể thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa”, đại diện Kocham Trung Nam Bộ nói.
Nêu ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường thừa nhận lẫn nhau.
Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không gắn với địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh việc cải cách thể chế, quy định, thủ tục hành chính, việc tổ chức thực thi quy định cũng sẽ được chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên, liên tục để đảm bảo những kết quả cải cách sớm đi vào cuộc sống.
Đối với một số quy định bất cập tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội ban hành để sớm được thực thi trên thực tế.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần của Thủ tướng là trong thời điểm hiện nay phải tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kép. Trong khi chưa mở các chuyến bay thương mại, Thủ tướng đang tích cực giải quyết cho các chuyên gia, lao động, người thân của chuyên gia, doanh nghiệp, chủ đầu tư… nhập cảnh vào Việt Nam.
“Ngay khi nhận được văn bản đề xuất, có thể thông qua Đại sứ quán hoặc gửi thẳng lên VPCP, chúng tôi sẽ giải quyết trong 24h, qua đó chúng tôi yêu cầu các bộ, cơ quan cấp visa, thị thực nhập cảnh, giải quyết giấy phép lao động… và cho chuyên gia, doanh nhân có thể được thực hiện cách ly tại cơ quan, doanh nghiệp… dưới sự giám sát của y tế địa phương để bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Đồng thời đề xuất với các doanh nghiệp rằng thay vì thay đổi đổi chuyên gia, người lao động gây tốn kém cho doanh nghiệp có thể chuyển sang cách tiếp tục gia hạn visa, gia hạn giấy phép lao động…
Về kiến nghị dùng máy bay Vietnam Airlines để chở hàng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo tăng cường các chuyến bay này; về kiến nghị của Lotte liên quan đến khu Thủ Thiêm, trong tuần tới, Thủ tướng sẽ làm việc với TPHCM để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc…
Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho biết, những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp sẽ giúp Chính phủ cải cách thể chế, chính sách, thủ tục hành chính tốt hơn, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Các bộ, cơ quan, địa phương khi tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp cần xem xét thấu tình, đạt lý. Tinh thần của Thủ tướng là không hồi tố. Những vấn đề không đúng sẽ điều chỉnh, những gì bất cập trong chính sách sẽ sửa đổi theo hướng một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Hoàng Giang-Gia Huy