Bản Để In

Kiến nghị gia hạn áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án điện gió

(Chinhphu.vn) - Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới tiến độ cung cấp turbine gió bị ảnh hưởng nên rất nhiều dự án điện gió đứng trước khả năng chậm tiến độ vận hành. Nhiều địa phương kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án trực thuộc địa bàn.

08/13/2021 08:13
Nhiều địa phương kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió đang chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Theo số liệu cập nhật của EVN, đến hết ngày 3/8, có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5655,5 MW.

Tuy nhiên, đó chỉ là hồ sơ đăng ký của các chủ đầu tư. Để số dự án này có thể vận hành thương mại, thực tế rất khó. Bởi lẽ, trong số 106 nhà máy gửi hồ sơ, có hàng chục dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, không ít dự án trang thiết bị còn chưa thể tập kết ở công trình. Trong khi đó, hạn cuối để các dự án điện gió hưởng giá ưu đãi chỉ còn hơn 2 tháng nữa, vì đến ngày 31/10 tới là kết thúc giá điện hỗ trợ (FIT) điện gió.

Từ thực tế hiện nay có thể thấy, nhiều dự án điện gió chỉ đăng ký để “giữ chỗ”, còn triển khai được hay không lại là câu chuyện khác. Bởi, để có thể đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu chuẩn bị đề nghị công nhận COD trước thời điểm 31/10, chủ đầu tư nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho bên mua điện là EVN muộn nhất là ngày 3/8.

Trong khi đó, theo ý kiến một số chuyên gia, mức công suất điện gió có thể vận hành trước 31/10 là hơn 5.600 MW như các chủ đầu tư đăng ký với EVN là không thực tế. Dự kiến, chỉ khoảng một nửa trong số đó có thể vận hành thương mại như kế hoạch đã định.

Địa phương ‘sốt ruột’ xin gia hạn

Trong 2 tuần gần đây, UBND các tỉnh Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng đồng loạt có văn bản đề xuất tới các cấp có thẩm quyền báo cáo về tình trạng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11 tới để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 US cent/kWh (theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

Lý do được các địa phương đưa ra là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới tiến độ cung cấp turbine gió bị ảnh hưởng (nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ tại nước sở tại, vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng gặp khó do giãn cách xã hội), hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao bất thường… nên rất nhiều dự án điện gió ở 4 tỉnh nêu trên đều đứng trước ngưỡng cửa chậm tiến độ vận hành.

Các địa phương đều kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án trực thuộc địa bàn.

UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, đến nay tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án điện gió với tổng công suất 570 MW. Trong số này, ghi nhận 6 dự án đang được địa phương hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công, gồm điện gió Trà Vinh-Hàn Quốc (giai đoạn 1) công suất 48 MW, điện gió V1-2 (48 MW), điện gió số 3 tại vị trí V1-3 (48 MW), điện gió Duyên Hải (48 MW), điện gió Hiệp Thạnh (78 MW), điện gió Đông Hải 1 (100 MW).

Qua theo dõi tình hình thực tế, cùng với đánh giá của chính các nhà đầu tư, thì khả năng nhiều dự án trễ hẹn vận hành thương mại vào trước 31/10. Do đó, tỉnh Trà Vinh kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT với các dự án điện gió trên địa bàn tới ít nhất là hết tháng 4/2022.

Tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 20 dự án điện gió (tổng công suất 1.435 MW) được duyệt vào quy hoạch phát triển điện gió của địa phương, cũng như Quy hoạch điện VII. Hiện tại, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đối với 16 dự án (tổng công suất khoảng 1.095 MW), trong đó 11 dự án đang thi công.

Sóc Trăng kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá FIT đến hết 31/3/2022. Đối tượng được hưởng gia hạn là các dự án điện gió đang triển khai thi công (đã có hợp đồng mua bán điện ký kết, hợp đồng mua sắm thiết bị, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật…).

UBND tỉnh Gia Lai là địa phương kiến nghị mốc lùi thời hạn ngắn nhất là đến hết 31/12/2021. Tính tới thời điểm hiện tại, địa phương này đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 17 dự án điện gió (tổng công suất khoảng 1.242 MW, đã được duyệt vào quy hoạch).

Theo thông tin của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện nay, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch đến năm 2025 khoảng 25.500 MW (chưa bao gồm các dự án điện mặt trời mái nhà), bao gồm 13.900 MW điện mặt trời trang trại và 11.500 MW điện gió.

Như vậy còn lại khoảng 5.000 MW điện mặt trời và 6.144 MW điện gió đã phê duyệt quy hoạch, nhưng không kịp đưa vào vận hành trong năm 2021.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có thông tin cụ thể về các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn sau tháng 10/2021, nên tiến độ các nguồn này còn nhiều rủi ro. Trong trường hợp các nguồn điện chậm tiến độ, nguồn năng lượng tái tạo ngừng triển khai sau mốc tháng 10/2021 vì hết ưu đãi giá FIT điện gió, Viện Năng lượng cảnh báo hệ thống sẽ bị thiếu hụt nguồn cung. Sản lượng thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh điện năm 2025.

Mai Ngọc