Bản Để In

Kinh tế 9 tháng tăng trưởng 1,42%; triển vọng khởi sắc 3 tháng cuối năm

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương là trọng điểm kinh tế của cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng ước tăng 1,42% là một thành công, là kết quả của nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất.

09/29/2021 04:05

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương: Nông nghiệp đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư, tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2021, diễn ra ngày 29/9.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế trong 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Thông tin cụ thể hơn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, 9 tháng qua, nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, với tốc độ tăng 6,05%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá là động lực cho tăng trưởng, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, một số điểm sáng khác của nền kinh tế là tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%.

Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu lý giải nguyên nhân
GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Nguyên nhân chính ảnh hưởng GDP quý III

GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý (từ năm 2000). Trong đó, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.

Lý giải cụ thể cho mức giảm này, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân là đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, khiến các tỉnh, thành phố trọng điểm, đầu tàu kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, diễn biến dịch phức tạp, khó lường và giãn cách xã hội kéo dài từ tháng 7 đến nay tại các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long và Hà Nội tác động trực tiếp đến tăng trưởng quý III/2021.

Từ tháng 7 đến nay, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ giảm sâu, lần lượt là 5,02% và 9,28%. Ngoài ra, theo ông Hiếu, GDP quý giảm một phần cũng do lĩnh vực thuỷ sản tăng trưởng thấp trong quý III. Giãn cách xã hội kéo dài, ảnh hưởng đến thu hoạch, sản xuất, chế biến và tiêu thụ thuỷ sản của Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng cá tra ở khu vực này chiếm gần như 100% sản lượng cá tra toàn quốc, sản lượng tôm chiếm khoảng 80% sản lượng tôm của cả nước. Tuy nhiên, tại Đồng bằng sông Cửu Long, 120/449 nhà máy thuỷ sản ngừng hoạt động do giãn cách xã hội. Các nhà máy đang hoạt động chỉ đạt 30-40% công suất.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, hầu hết các ngành suy giảm trong quý III, trong đó giảm mạnh nhất là ngành xây dựng và ngành khai khoáng với mức giảm lần lượt là 11,41% và 8,25%. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dù 6 tháng đầu năm giữ vai trò chủ đạo, động lực của tăng trưởng thì bước sang quý III, ngành này giảm 3,24%, do đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới khu công nghiệp của các địa phương trọng điểm về kinh tế.

“Như chúng ta đã biết, giá trị công nghiệp của TPHCM vốn đứng đầu cả nước, Bình Dương đứng thứ 2, Đồng Nai đứng thứ 5 toàn quốc, và Bà Rịa-Vũng Tàu thứ 4. Nhưng nay, 4 tỉnh, thành này đều bị ảnh hưởng nặng nề, khu vực công nghiệp giảm sâu nên đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng GDP cả nước”, đại diện lãnh đạo Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết.

Không những vậy, khu vực dịch vụ quý III giảm, trong đó lưu trú ăn uống giảm gần 55%, ngành vận tải, kho bãi giảm 21,1%, bán buôn bán lẻ giảm gần 20% cũng là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, bối cảnh dịch bệnh chưa từng có trong tiền lệ phần nào làm phân tán nguồn lực phát triển kinh tế, để tập trung cho phòng, chống dịch. Việc tập trung cao độ cho công tác chống dịch, bảo vệ sức khoẻ, an toàn và tính mạng của người dân được các ngành, các cấp, các địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Nhìn trên khía cạnh kinh tế, điều này thể hiện rõ nhất qua chỉ số tăng trưởng dương của ngành y tế, hoạt động trợ giúp xã hội với mức tăng 38,7%. Đồng thời, hoạt động thông tin truyền thông tăng trưởng 5,3%, dung lượng đường truyền tăng do chủ yếu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước cũng như học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên.

Đối với khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh là Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội, tổng GRDP của 20 tỉnh, thành thuộc khu vực này, chiếm 57% GDP của các cả nước. GRPD của TPHCM chiếm 17%, Hà Nội xếp vị trí thứ 2 với 12,6%, kế đến là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu lần lượt chiếm 4,8%, 4,5%, 3,8%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 53% giá trị toàn ngành công nghiệp của cả nước, khu vực dịch vụ chiếm 63% ngành dịch vụ của cả nước. Do chiếm quy mô lớn nên suy giảm tăng trưởng của các tỉnh, thành phố này đã tác động mạnh đến tăng trưởng của cả nước.

Triển vọng tăng trưởng cao trong quý IV

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, thực hiện tốt các biện pháp chuyển đổi mô hình chống dịch, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ giúp tăng trưởng phục hồi và tốt hơn trong quý IV cũng như cả năm 2021.

Kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 chặng đường với mức tăng trưởng của 9 tháng, nếu như theo mục tiêu Quốc hội đề ra là 6% và kế hoạch của Chính phủ là 6,5% thì quý IV phải tăng trưởng rất cao để bù lại mức tăng trưởng thấp của những tháng qua. Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhìn nhận, đây là thách thức rất lớn.

“Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có cơ hội cải thiện mức tăng trưởng hiện tại vì đang đạt được kết quả tích cực trong phòng, chống dịch. Hiện nay, công tác này vẫn đang được triển khai quyết liệt và nghiêm ngặt. Thêm vào đó, chiến lược vaccine với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng đang triển khai hiệu quả và ngày càng bao phủ rộng. Tích cực triển khai mở cửa nền kinh tế cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương là các yếu tố quan trọng để đạt được kết quả tốt về tăng trưởng thời gian tới”, ông Lê Trung Hiếu nói.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê, quý IV/2021, cần đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, đặc biệt các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TPHCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh khác trong khu vực Đông Nam Bộ. Khi mở cửa trở lại, các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng sẽ đến từ 3 trụ cột, gồm: Đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, tăng tiêu dùng và dân cư.

Thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ là nền tảng, điều kiện quan trọng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, nhiệm vụ giải ngân 250.000 tỷ trong 3 tháng cuối năm là rất nặng nề nhưng sẽ “làm mồi” lan toả động lực cho các lĩnh vực phục hồi và phát triển.

Thứ hai, xuất khẩu là động lực quan trọng khi thúc đẩy và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nút thắt trong lưu thông hàng hoá, vận hành nguồn tài chính thông suốt, tổ chức thực hiện kịp thời gói hỗ trợ để kích thích sản xuất cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh.

Thứ ba, về tiêu dùng và dân cư, việc nới lỏng giãn cách xã hội và áp dụng “thẻ xanh COVID” sẽ thúc đẩy mạnh tăng trưởng trong quý IV qua việc cải thiện và phục hồi các hoạt động giảm sâu trong quý III, như: Dịch vụ thương mại, ăn uống, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí. Đặc biệt, cần giải ngân nhanh gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tổng cục Thống kê cho rằng, tăng trưởng GDP quý IV phụ thuộc vào hiệu quả triển khai các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ để kích thích phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự vươn lên của chính các doanh nghiệp.

“Tôi tin là quý IV/2021 sẽ có mức tăng trưởng cao, thậm chí cao hơn quý I và có thể đạt được như quý II, thời điểm mà nền kinh tế đã có khởi sắc. Sự kỳ vọng này không phải chỉ bằng niềm tin mà vì chúng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm, phản ứng kịp thời, từ đó nhân rộng hiệu quả chính sách, sẽ tạo nên sự khởi sắc nhanh nhất của quý IV, để có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2021”, bà Nguyễn Thị Hương tin tưởng./.

Minh Ngọc