chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Năm 2020, tác động từ dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp ngành da giày rơi vào khó khăn. |
Theo nhận định của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), hai tháng đầu năm 2021, tình hình đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành da giày có khởi sắc hơn. Tuy nhiên, năm 2021 được nhận định tiếp tục là năm khó khăn do tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến ngành da giày, nhất là vấn đề nguồn cung nguyên liệu và nhân công.
Cấp thiết nguồn nguyên liệu nội địa
Để có thể hưởng các lợi thế và ưu đãi từ các thị trường tiềm năng, nhóm hàng da, giày của Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ riêng của mỗi thị trường.
Với thị trường châu Âu, EVFTA cho phép các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu (da, vải) nhập khẩu từ bất cứ nước nào cùng có FTA với Việt Nam và EU. Ví dụ, da, vải nhập khẩu từ EU hoặc Hàn Quốc là nước có FTA với cả Việt Nam và EU sẽ được hưởng cắt giảm thuế nhập khẩu vào EU theo EVFTA, với điều kiện sản phẩm cuối cùng làm tại Việt Nam.
Các quy định về xuất xứ sang thị trường Hoa Kỳ đơn giản hơn so với châu Âu. Theo đó, nguyên tắc chung và cơ bản để xác định nước xuất xứ của hàng hóa là dựa vào sự biến đổi đặc tính và giá trị gia tăng của hàng hóa. Nước xuất xứ của hàng hóa là nước cuối cùng sản xuất ra hàng hóa đó, với điều kiện hàng hóa đó đã biến dạng để mang tên mới và có đặc tính sử dụng mới. Ví dụ, giày dép, túi xách sản xuất ở Việt Nam bằng da nhập khẩu được coi là hàng có xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Bộ LĐTB&XH hồi đầu tháng 3/2021, LEFASO cho biết, hiện nay, nguồn cung nguyên, phụ liệu cho ngành da giày đang phụ thuộc tới 60% vào hàng nhập khẩu. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nhà sản xuất da giày của Việt Nam.
Theo số liệu của bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Trưởng phòng Chiến lược và chính sách hội nhập, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, trong 3.000 doanh nghiệp da giày thì chỉ 17 doanh nghiệp có hoạt động thiết kế, 400 doanh nghiệp sản xuất phụ liệu, phụ kiện hoặc gia công các công đoạn trung gian…
“Nguyên phụ liệu cho da, giày mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Trong khi đó, để được hưởng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại thì sản phẩm da giày cần phải đáp ứng quy định hàm lượng xuất xứ nguyên liệu. Do đó, công nghiệp hỗ trợ nội địa vẫn là lĩnh vực cần được tập trung phát triển nếu ngành da giày muốn bứt phá mạnh mẽ trong các FTA”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch LEFASO chỉ ra.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch LEFASO đánh giá, việc phát triển công nghiệp phụ trợ để bảo đảm nguồn cung phụ liệu, phụ kiện ngay trong thị trường nội địa cho ngành da giày là vấn đề cấp thiết và đã được đề cập nhiều năm nay song Việt Nam vẫn chưa làm được.
Đại diện Công ty CP tập đoàn Gia Định cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ về tài chính, cụ thể là có cơ chế ưu đãi cho vay tài chính hoặc giảm thuế. Việc giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ sẽ giúp sản phẩm làm ra cạnh tranh được về giá thành so với những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như các nước khác.
Liên quan đến những chính sách cho ngành da giày phát triển công nghiệp hỗ trợ, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ có bổ sung danh mục công nghiệp hỗ trợ phù hợp với thực tế hiện nay. Trong lần sửa Nghị định này, Bộ Công Thương có đưa vào đề xuất việc hỗ trợ 50% tối đa mức vay tín dụng khi doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.
Thiếu lao động đang là vấn đề trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19 của ngành da giày. |
Bài toán nhân công
Một “hậu quả” tiếp theo mà COVID-19 mang đến cho các doanh nghiệp da, giày đó là thiếu lao động.
LEFASO cho biết, trong thời điểm dịch bệnh diễn ra từ đầu năm 2020, nhiều đơn hàng đứt gãy đột ngột đã buộc doanh nghiệp phải cho 30-70% lao động nghỉ việc. Đến khi có đơn hàng trở lại, doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động bởi một số lượng lớn lao động đã chuyển sang lĩnh vực, ngành nghề khác hoặc về quê.
Đại diện Công ty CP tập đoàn Gia Định cho biết, mặc dù doanh nghiệp đã có đơn hàng từ nay đến cuối năm 2021 nhưng khó khăn là không có nguồn lao động kỹ thuật cao. Hiện nay, lao động của nhà máy chỉ còn khoảng 70%, do đó công suất nhà máy hiện cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60%.
Cùng với việc thiếu nhân công, hiện giá nhân công sản xuất các sản phẩm da giày đang tăng cao, ở mức 171 USD/tháng đối với vùng 1 và 151 USD đối với vùng 2. Trong khi đó tại Indonesia, giá nhân công chỉ khoảng 100 USD, Ấn Độ, Myamar, Bangladesh giá nhân công giao động ở mức từ 81-95 USD.
Đại diện LEFASO cho biết, chi phí nhân công đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp ngành da giày khi chi phí lao động chiếm 24% giá xuất khẩu, tăng 30% so với trước.
Mới đây, trong văn bản góp ý kiến cho Báo cáo của Bộ LĐTB&XH gửi Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021, LEFASO kiến nghị năm 2021 không điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng mà tiếp tục áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ. Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị cần duy trì, triển khai nhanh các gói hỗ trợ, tạo môi trường để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Về đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động lấy ngày 1/7 của năm làm mốc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, Hiệp hội kiến nghị tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính (ngày 1/1) như thời gian vừa qua, để phù hợp với kế hoạch tài chính, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Mặc dù kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một kiến nghị tốt cho người lao động, nhưng trong bối cảnh năm 2020 và cả năm 2021, các doanh nghiệp đã và đang phải gồng mình vật lộn với những khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, để duy trì sản xuất và lo nguồn tiền trả lương cho người lao động, thì việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 là không phù hợp”, văn bản của LEFASO nêu rõ.
Mặt khác, đối với đề xuất trích 6.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động bị mất việc, có nguy cơ mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 do Bộ LĐTB&XH đưa ra, bà Phan Thị Thanh Xuân kỳ vọng, chính sách trên có thể đến được với doanh nghiệp. Theo đề xuất, nếu chính sách được ban hành, dự kiến có khoảng 1 triệu lao động được hỗ trợ tối đa 6 tháng với mức 1 triệu đồng/tháng.
“Doanh nghiệp luôn mong muốn chính sách phải cụ thể, trúng và đúng thời điểm, thủ tục cũng phải nhanh. Một chính sách "đúng thời điểm, đúng đối tượng và đủ liều lượng" là cần thiết với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, bà Xuân chia sẻ.
Tuy nhiên, để nhận được hỗ trợ, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, trong đó thể hiện doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019…
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ đang triển khai xây dựng chiến lược phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Trong đó sẽ tập trung phát triển nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày nhằm đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các FTA. Đồng thời phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong vấn đề về mẫu mã, thiết kế, nghiên cứu phát triển. Đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, an toàn, lao động và phát triển bền vững với mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững và xanh hóa ngành da giày Việt Nam. |
Phan Trang