Bản Để In

Lại thêm một thông tư... "máy lạnh"!

(Chinhphu.vn) – Đây là quan điểm của luật gia Vũ Xuân Tiền (Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội) trong bài viết về Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép.

08/18/2014 04:56

Sau khi các doanh nghiệp phản ánh tới Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và cơ quan chức năng về những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Thông tư liên tịch số 44, luật gia Vũ Xuân Tiền đã có bài viết phân tích thêm về các bất cập này, gửi Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia. Để rộng đường dư luận, Diễn đàn đăng tải bài viết và rất mong cơ quan chức năng sớm có phản hồi.

Ảnh minh họa

Ngày 31/12/2013, Liên bộ Công Thương - Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Thông tư có hiệu lực từ 1/6/2014.

Từ những vướng mắc lớn của các doanh nghiệp kinh doanh sắt thép, nhiều ý kiến đã cho rằng, Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN là một ví dụ điển hình của dạng thông tư được soạn thảo trong phòng... máy lạnh.

Là "thông tư… máy lạnh", bởi vì có những quy định của Thông tư hoàn toàn xa rời thực tiễn cuộc sống. Điều 4 của Thông tư 44 quy định “điều kiện bảo đảm chất lượng thép nhập khẩu phải được đánh giá sự phù hợp theo chỉ định tổ chức thử nghiệm. Việc kiểm tra, đánh giá sự phù hợp được thực hiện kiểm tra tại nguồn hoặc đánh giá sự phù hợp theo lô hàng”.

Sẽ không có gì phải bàn nếu thép nhập khẩu đều là thép thành phẩm (loại I). Song, quy định đó lại là bất khả thi đối với thép loại II. Bởi lẽ, theo các doanh nghiệp nhập khẩu thép, trong qui chuẩn chất lượng không có thép loại hai, chỉ có thép thành phẩm và phế liệu, nhưng trong thương mại thì có thép loại hai để phân biệt với thép chính phẩm vì giá cả thấp hơn thép chính phẩm. Thép loại hai (secondary) bao gồm hàng chính phẩm tồn kho, hàng sản xuất dư thừa, hàng bị hủy hợp đồng, hàng sai quy cách hoặc không đúng khổ thông dụng, phần hàng còn lại sau khi gia công cơ khí (xả băng, chặt quy cách, dập hình...)... nhưng có chất lượng tốt như hàng chính phẩm, phù hợp với nhiều loại sản xuất sản phẩm.

Khác với thép thành phẩm, thép loại II được các công ty nước ngoài mua gom lại từ nhiều nhà máy, nhiều nguồn khác nhau, nhiều thời điểm khác nhau, ....do đó người bán và người nhập khẩu chỉ có thể thông báo chủng loại, không thông báo hay liệt kê tiêu chuẩn được (bởi vì có quá nhiều loại hàng, quá nhiều tiêu chuẩn lẫn lộn trong lô hàng). Và vì là thép loại hai nên không có chứng nhận tiêu chuẩn, do đó không đủ điều kiện để kiểm tra theo lô hàng.

Điều quan trọng là, các doanh nghiệp nhập khẩu thép loại II không gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, cũng không "biến Việt Nam thành bãi rác của thế giới". Ngược lại, đó là những lô hàng đảm bảo chất lượng, có giá trị sử dụng với những mục đích nhất định và có giá mua thấp. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp nhập khẩu thép vẫn thực hiện nhập khẩu sản phẩm này.

Với việc nhập khẩu thép loại II, yêu cầu tại Điều 4 Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN là không thể thực hiện được. Vì sao có tình trạng đó?

Nguyên nhân trước hết là người soạn thảo, người thẩm tra, người ký thông tư đã xa rời thực tế cuộc sống. Họ dựa vào những quy định rất chuẩn mực để đưa ra những yêu cầu đối với sản xuất, kinh doanh. Những chuẩn mực đã có là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ và sẽ không bao giờ đủ khi hoạt động kinh doanh luôn luôn sôi động và phát sinh những tình huống mới.

Cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp từ quy định thiếu tính khả thi nêu trên lại... không có tính khả thi. Bộ Công Thương đã khẳng định không hạn chế nhập khẩu thép loại II và hướng dẫn nếu hàng hóa không phân loại được tại nguồn thì chuyển qua nhập khẩu phế liệu theo Thông tư 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT của liên Bộ Công Thương và Tài nguyên và Môi trường. 

Song, hướng dẫn đó cũng không thực hiện được vì theo quy định hiện hành, chỉ các nhà máy nhập khẩu phế liệu về để sản xuất hay là nhập ủy thác cho các nhà máy để sản xuất. Do đó các công ty kinh doanh thép không được nhập khẩu phế liệu đồng nghĩa với việc là không được nhập khẩu thép loại hai.

Giải pháp hợp lý hơn cả là sửa đổi ngay Thông tư 44 theo hướng loại trừ thép loại II trong quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

Luật gia Vũ Xuân Tiền (Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội)