Bản Để In

Làm sao giữ thương hiệu sau cổ phần hoá?

(Chinhphu.vn) – Nhiều chuyên gia lo ngại trước sự “biến mất” hoặc “mờ nhạt” của một số thương hiệu sau cổ phần hoá, thoái vốn.

06/14/2018 02:00
Ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC phát biểu tại hội thảo.

Tại Hội thảo “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - Góc nhìn chuyên gia” vừa diễn ra do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF), TS. Nguyễn Quang Trung, Giảng viên cao cấp Trường RMIT cho rằng, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn còn diễn ra chậm chạp do nhiều cơ quan chủ quản chưa có động lực vì sợ ảnh hưởng đến nguồn thu.

Thêm vào đó, mặc dù quy định về cổ phần hóa tuy được cho là rất nhiều và Chính phủ cũng chủ trương “khó đâu gỡ đó”, nhưng do quy định chồng chéo, mới dừng lại ở các quy định khung mà thiếu cụ thể nên trong quá trình thực hiện thường phải hỏi ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC), cho biết việc quy định không rõ và cụ thể, không quy định phương pháp giá khởi điểm… cùng với áp lực “không được làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước” đã gây rủi ro rất lớn cho người phải ra quyết định thoái vốn.

 Ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, thực tế cho thấy các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa, do vậy, đã đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế và cả ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, dù điều kiện thị trường có thay đổi, Chính phủ vẫn cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình cổ phần hóa, tránh để các biến động tăng, giảm của thị trường làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng các DN được cổ phần hóa. 

Để thúc đẩy tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn, theo ông Dương quan trọng nhất là tạo lập một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, bảo đảm quy trình bán vốn công khai, minh bạch, cần ban hành Luật cổ phần hóa.

 Ông Lê Song Lai cũng chia sẻ thêm rằng “cần tổ chức hoạt động bán vốn một cách chuyên nghiệp, lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp, theo sát diễn biến thị trường và thực trạng hoạt động của DN. Ngoài ra, cần tiên phong trong việc áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù như bán cả lô, bán cho nhà đầu tư chiến lược, bán dưới mệnh giá”.

Cần thiết phải giữ gìn thương hiệu quốc gia

Trong khi đó, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng “Nhà nước nên lưu ý đặc biệt đến tình trạng các thương hiệu lớn của các doanh nghiệp biến mất hoặc trở nên mờ nhạt sau khi trở thành tài sản của một công ty khác”.

PGS. TS Ngô Trí Long nhấn mạnh thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu quốc gia chính là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Những thương hiệu như LG, Samsung, Sony, Honda, Toyota… không chỉ đơn thuần là thương hiệu của doanh nghiệp, mà là nguồn lực phát triển kinh tế quan trọng trong dài hạn của các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản. 

“Chính vì vậy, trong quá trình quá trình cổ phần hóa, thoái vốn thì cần đặc biệt chú ý đến việc giữ gìn các thương hiệu quốc gia, đồng thời phải tạo điều kiện để các thương hiệu này tiếp tục phát triển”, quan điểm của PGS. TS Ngô Trí Long.

Các chuyên gia cũng chia sẻ quan điểm cho rằng ở khu vực tư nhân, khi thực hiện các giao dịch mua bán, sáp nhập thì khoản thu tài chính ngắn hạn thường được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, Nhà nước - với vai trò là chủ thể kiến tạo sự phát triển của quốc gia, cần có một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.

Bên cạnh mục tiêu không làm thất thoát tài sản, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến các yếu tố để đảm bảo sự phát triển bền vững, lựa chọn được các nhà đầu tư có khả năng bảo vệ và phát triển các thương hiệu quốc gia.

 Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng: “Nếu mục tiêu chỉ để thu được tiền, tức là giá càng cao càng tốt, thì dễ, nhưng ta phải hướng đến mục tiêu dài hạn hơn, trong đó có cả việc Nhà nước phải giữ lại một tỷ lệ nhất định 36% để có tiếng nói phủ quyết cuối cùng. Nếu chúng ta bán đấu giá ra thị trường, ai muốn mua thì mua, thì có nguy cơ có những nhà đầu tư chúng ta không mong đợi. Ít nhất chúng ta phải gặp họ (các nhà đầu tư tiềm năng) để có thể lựa chọn”.

TS. Nguyễn Quang Trung chia sẻ “Đặc biệt đối với những công ty lớn, có vốn từ “tỷ đô” trở lên thì chúng ta phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Tôi cho rằng với những doanh nghiệp có vốn lớn, chúng ta cần đặt nặng việc chọn hồ sơ của các nhà đầu tư”.

 Vậy làm thế nào để Nhà nước có thể  đánh giá được liệu nhà đầu tư tiềm năng có ý định hay khả năng bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước hay không?

 Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, để đảm bảo lựa chọn được đúng nhà đầu tư phù hợp, cần thận trọng đánh giá lịch sử hoạt động của nhà đầu tư tiềm năng để phát hiện các tín hiệu không khả quan (ví dụ như truyền thống thôn tính thương hiệu của nhà đầu tư đó trong quá khứ), hoặc các thông tin về kết quả phát triển kinh doanh dựa trên thương hiệu nội địa trong quá khứ (ví dụ như tỷ lệ doanh thu của công ty đến từ thương hiệu địa phương họ đã mua lại).

Bên cạnh đó, để đảm bảo có thể thúc đẩy, mở rộng thị trường cho sản phẩm thì Nhà đầu tư chiến lược cũng cần có kinh nghiệm dày dạn ở thị trường Việt Nam, đảm bảo có thể kế thừa và phát triển tốt các sản phẩm của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn.

 “Nhà đầu tư chiến lược khi mua cổ phần phải cam kết giữ thương hiệu, nhưng có cam kết rồi cũng phải xem động cơ của họ như thế nào. Cam kết là chưa đủ, vì anh nào cũng có thể cam kết được. Nghị định 126 quy định rất rõ, nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng được các cam kết thì phải bồi hoàn lại. Chúng ta phải xem xét quá trình lịch sử giao dịch, truyền thống của họ. Giống như khi xem xét một con người, ta phải xem xét nhân thân, lý lịch. Đó là điểm rất quan trọng”, PGS.TS. Ngô Trí Long nói.

Phan Trang