Bản Để In

Làng nghề gỗ và cơ hội kết nối thị trường xuất khẩu

(Chinhphu.vn) - Các làng nghề gỗ đang là lực lượng chủ chốt để sản xuất các sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa. Trong điều kiện hiện nay, đây là lực lượng có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động riêng lẻ của các làng nghề khiến lực lượng sản xuất này chưa phát huy hết tiềm năng.

09/24/2021 08:26
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ kỳ vọng xuất khẩu ổn định từ tháng 10 khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ bù đắp được sản lượng xuất khẩu cả năm 2021. Ảnh minh hoạ
Lao đao trong mùa dịch

Cả nước có hơn 300 làng nghề gỗ với hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động tham gia sản xuất kinh doanh. Hiện, làng nghề là nguồn cung chủ yếu các sản phẩm gỗ cho thị trường nội địa. Các biện pháp giãn cách nhằm kiểm soát dịch COVID-19 trong thời gian gần đây có tác động rất lớn tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề.

Nhóm nghiên cứu của Forest Trends và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Đồng Nai (DOWA) vừa tổ chức hội thảo trực tuyến, công bố báo cáo “Đại dịch COVID-19 và làng nghề gỗ: Tác động, tính chính danh của hộ sản xuất và sự cần thiết về một chính sách bao trùm”.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu tại 6 làng nghề gỗ vùng Đồng bằng sông Hồng (Đồng Kỵ, Hữu Bằng, La Xuyên, Liên Hà, Thụy Lân và Vạn Điểm) cho thấy, tác động của dịch COVID-19 tới các hộ sản xuất rất lớn. Cụ thể, năng lực sản xuất của các hộ đã giảm 62%. Trong số 6 làng nghề khảo sát, công suất nơi cao nhất đạt 50% (làng gỗ Thụy Lân), nơi thấp nhất chỉ đạt 30% (làng gỗ Đồng Kỵ, làng gỗ Hữu Bằng).

Khoảng 46% số hộ tại các làng đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên các hoạt động này chỉ mang tính chất cầm chừng với mục đích “làm để giữ thợ” và “lấy công làm lãi” mà không có lợi nhuận. Làng có số hộ quay lại sản xuất cao nhất đạt 80% (làng gỗ La Xuyên) và làng thấp nhất chỉ đạt 30% (làng gỗ Đồng Kỵ).

Đầu ra sản phẩm của các hộ giảm khoảng 76%, thu nhập giảm gần 90%, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giảm 68% do không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra. Ở một số nơi như Đồng Kỵ, Liên Hà, La Xuyên lượng sản phẩm bán ra giảm 80-90%, tương ứng với mức sụt giảm về nguồn thu của hộ.

Trong báo cáo của nhóm nghiên cứu, hộ làng nghề hiện đang thiếu tính chính danh. Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh cá thể là các cá nhân, hoặc hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tiến hành các hoạt động kinh doanh. Hộ kinh doanh cá thể không có con dấu và chịu trách nhiệm với các hoạt động kinh doanh của mình.

Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ tại các làng nghề có quy mô nhỏ lẻ, tự phát, tận dụng lao động của gia đình... Hầu hết các hộ không đăng ký thực hiện kinh doanh với cơ quan quản lý, không đăng ký thuế, không đóng thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Các giao dịch cũng hầu như không có chứng từ, hoặc hồ sơ giấy tờ để minh chứng cho tính hợp pháp của sản phẩm. Các hộ sản xuất chỉ đóng lệ phí môn bài, với mức đóng thấp nhất nhằm tiết kiệm chi phí, thậm chí, một số hộ không đóng.

Tính chính danh của hộ là sự công nhận chính thức của các cơ quan quản lý đối về các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ. Tính chính danh này được tạo ra khi hộ tuân thủ với các yêu cầu của luật pháp khi thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, thực trạng hiên nay tại các làng nghề cho thấy, hầu hết các hộ không đáp ứng được các yêu cầu này.

Cần liên kết để nắm cơ hội sản xuất

Chính vì thiếu tính chính danh này nên các hộ sản xuất tại làng nghề khó tiếp cận nhiều chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong dịch COVID-19.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề gỗ Hữu Bằng cho biết, làng nghề này đang rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường trong nước hầu như không có đơn hàng sản xuất. Bà Nguyễn Thị Bảy mong muốn kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu để có thể gia công một phần sản phẩm theo hướng dẫn cụ thể của doanh nghiệp.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Trường, Chi hội trưởng làng nghề gỗ Thụy Lân cho biết, làng nghề có khoảng 400-500 hộ đang kinh doanh, sản xuất, mong muốn của các hộ là được VIFOREST hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong hội thảo, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội lớn trong ngành gỗ cho rằng các làng nghề là một phần rất quan trọng của ngành gỗ. Đây là lực lượng để góp phần tạo nên văn hoá gỗ Việt. Trong bối cảnh đại dịch, việc phối hợp giữa các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu với các làng nghề là hết sức cần thiết.

Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn khá khó khăn trong tập hợp lao động để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu vì tình hình dịch bệnh. Việc phối hợp với các làng nghề được xem là một hướng đi khả thi. 

Việc phối hợp này không chỉ có tính chất thời vụ. Đây được đánh giá là cơ hội để các làng nghề gỗ tiếp cận với các quy mô kinh doanh, sản xuất gỗ lớn và có hệ thống chuyên nghiệp. Đó cũng là một bước đệm để các làng nghề có thể xây dựng được tính “chính danh” bằng hình thức hoạt động của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp…

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ ghi nhận và tiếp thu các ý kiến để xây dựng các chính sách chung gắn kết các lực lượng sản xuất gỗ. Người tiêu dùng trong nước cần nâng cao nhận thức về dùng sản phẩm có xuất xứ rõ ràng. Người kinh doanh xuất khẩu gỗ và lực lượng sản xuất dồi dào từ các làng nghề gỗ cũng cần gắn kết chặt chẽ, từ đó tạo sự kết nối giữa gỗ nội địa và xuất khẩu, tăng nội lực sản xuất của ngành gỗ Việt Nam.

Đỗ Hương