chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo bà Vũ Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), Bộ NN&PTNT đang thống kê những vướng mắc trong phát triển ngành nông nghiệp hiện nay. Cụ thể, ngành nông nghiệp đang rà soát 3 vấn đề trọng tâm, gồm: Đánh giá hoàn thiện thể chế đất đai liên quan đến ngành nông nghiệp; các chính sách đầu tư xây dựng cơ bản và thu hút đầu tư vào nông nghiệp; các thể chế gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Bà Hiên cho biết, ngành nông nghiệp sắp đến hạn phải ban hành 20 loại giấy phép chứng nhận tại cơ sở, ví dụ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện thức ăn chăn nuôi, trang trại quy mô lớn, cơ sở đủ điều kiện thức ăn thuỷ sản, giống, chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh…
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, cùng với việc rà soát các vướng mắc, tồn tại trong ngành, Bộ NN&PTNT cũng đang nhận những ý kiến góp ý từ doanh nghiệp về vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Thời hạn nhận các ý kiến đến ngày 15/7 để đề xuất với Chính phủ những vướng mắc cần tháo gỡ liên ngành, vượt cấp ngay trong tháng 7 này.
“Ngày 24/6 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã thành lập tổ công tác gồm 26 lãnh đạo các vụ, cục của Bộ tham gia để rà soát các văn bản và tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp”, bà Kim Anh cho biết.
Đại diện lĩnh vực thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị: "Qua rà soát văn bản liên quan đến kiểm tra nhập khẩu, doanh nghiệp kiến nghị các sản phẩm chế biến làm thực phẩm cho người thì áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm chứ không phải áp dụng kiểm dịch như hiện nay".
Ngoài ra, ông Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm triển khai đánh số vùng nuôi thủy sản để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kiểm soát toàn bộ vật tư đầu vào. Theo ông Nam, một số quy định của EU khiến việc xuất khẩu cồi sò điệp của Bình Thuận đang gặp khó khăn do chưa kiểm tra khảo nghiệm xuất khẩu. "Đã hơn 2 năm doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất khẩu cồi sò điệp sang châu Âu (EU). Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản xúc tiến nhanh để cồi sò điệp của Bình Thuận có thể xuất khẩu sang EU vào dịp Noel tới", ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, ngoài nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để gỡ "thẻ vàng", cần khơi thông xuất khẩu ở thị trường này vì thực tế xuất khẩu thủy sản khai thác đang rất tốt ở thị trường khác nhưng lại có xu hướng giảm ở EU.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, thực hiện Luật Chăn nuôi, Chính phủ và Bộ đã có các nghị định, thông tư, nhưng quá trình thực hiện rất khó khăn. Nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế và chưa đầy đủ. Đó là các khái niệm về khu dân cư, chăn nuôi nhỏ lẻ,… hay các quy định về loa phát thanh chim yến, biện pháp xử lý rác thải, mật độ chăn nuôi, nguồn cung cấp nước cho khu vực chăn nuôi… chưa rõ, khiến việc thực thi thực tế gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.
Một số quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp với thực tiễn. Điển hình như quy định về chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi có thể nói là gây khó dễ, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thực chất quy chuẩn là để quản lý chất lượng mà quản lý chất lượng thức ăn, thuốc thú y đã có những quy định khác cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, các nước trên thế giới cũng không có quy định này.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y nhấn mạnh, thuốc thú y, nhiều vật tư dùng trong chăn nuôi xếp vào danh mục hàng hóa nhóm 2. Nhưng đây là những sản phẩm được sản xuất trong điều kiện nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP. Sản phẩm được đóng gói cẩn thận. Nhiều sản phẩm gần như không gây mất an toàn. Do vậy, Bộ cần xem xét không nên để tất cả các vật tư thú y vào nhóm 2.
Bà Nguyễn Thị Hương cũng đồng ý quan điểm bãi bỏ chứng nhận hợp quy đối với thuốc thú y vì thuốc thú y đã có kiểm soát theo GMP, đăng ký lưu hành đầy đủ hơn so với hợp quy. Nếu quản lý hợp quy thì sẽ rất chồng chéo, thêm khâu quản lý, trong khi quốc tế cũng không có đăng ký hợp quy.
"Thuốc thú y nhập khẩu cũng không có hợp quy, các nước nhập khẩu thuốc Việt Nam cũng chỉ yêu cầu được chứng nhận GMP mà không yêu cầu đăng ký hợp quy. Nếu doanh nghiệp tiếp tục phải chứng nhận hợp quy sẽ làm mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp, làm tăng giá thành sản phẩm thuốc thú y, chăn nuôi; giảm sự cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi", bà Nguyễn Thị Hương cho biết.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã ghi nhận các ý kiến và cho biết qua buổi làm việc hôm nay đã nắm bắt được những vấn đề mới, phát sinh và bổ sung vào danh sách rà soát, xử lý và trình Chính phủ tới đây.
“Xây dựng luật và chỉnh sửa là một quá trình liên tục để phù hợp với những phát sinh của đời sống và thị trường. Chúng tôi mong muốn sẽ thường xuyên và định kỳ được ngồi lắng nghe các hiệp hội trao đổi các ý kiến vì nhiều khi các quan điểm không thể hiện được hết trên văn bản. Chúng tôi cũng xác định ngoài việc sửa các văn bản, chính sách về pháp luật thì việc sửa thái độ làm việc để phù hợp rất quan trọng. Chính vì vậy trong những góp ý tới đây của doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng mong muốn nhận được cả những phản hồi về thái độ làm việc của các đơn vị quản lý trong ngành nông nghiệp để có những chỉnh sửa kịp thời và cùng hướng đến mục tiêu chung để phát triển ngành, đem lại đời sống tốt hơn cho người nông dân”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.
Đỗ Hương