Bản Để In

Lo ngại cổ phần hóa theo ‘chủ nghĩa thành tích’

(Chinhphu.vn) – “Dường như cách cổ phần hóa DNNN vẫn theo logic “hoàn thành nhiệm vụ”, được dẫn dắt bởi “chủ nghĩa thành tích” chứ không đi vào thực chất của sứ mệnh phải làm”.

10/12/2016 04:42
TS Trần Đình Thiên.

Đây là nhận định của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về quá trình cổ phần hóa các DNNN 5 năm qua, như một phần quan trọng của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với chủ đề "Thách thức tái cơ cấu và triển vọng", diễn ra ngày 12/10, ông Thiên cho rằng thực chất tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa - phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần nguồn vốn cho khu vực tư nhân quản lý sử dụng - chỉ đạt được không đáng kể khi chỉ một phần trong tổng số vốn của các DNNN được cổ phần hóa. Tỷ lệ còn quá ít ỏi để thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp - yếu tố cốt lõi để cải thiện căn bản hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Điều đáng mừng là hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, bán vốn nhà nước với tinh thần “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”.

Ông Trần Đình Thiên khái quát, cùng với những hạn chế về tái cơ cấu khu vực ngân hàng và tái cơ cấu đầu tư công, nhìn chung tái cơ cấu tiến triển rất chậm, thành quả  đạt được khá hạn chế, còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng.

Phân tích thêm về nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình tái cơ cấu, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng tư duy phổ biến hiện nay là huy động thêm nguồn lực, nhưng trọng tâm của tái cơ cấu phải là phân bố lại và nâng cao chất lượng sử dụng nguồn lực.

Ông Cung cho rằng biện pháp mấu chốt là phải xây dựng và vận hành trơn tru các thị trường các nguồn lực đầu vào của nền kinh tế, như đất đai, nhân lực, vốn, khoa học-công nghệ…

“Phải  chuyển  được  quyền  sử  dụng  đất  của  nông  dân  thành  vốn, thiết lập thể chế cho thị trường quyền sử dụng đất, cả sơ cấp và thứ để chuyển  đổi, mua bán quyền sử dụng  đất.  Ai cần đất đai đầu tư thì mua bán theo cơ chế thị trường”, ông Cung nói.

Cùng với đó, cải  cách  luật  ngân  sách  và  tái  cơ  cấu  thu  chi  ngân  sách, điều  đầu  tiên  phải  làm  ngay  là  thực hiện  đầy  đủ,  nhất  quán  kỷ  luật  ngân  sách,  nhất  là  kỷ  luật  chi  ngân  sách  đối  với  từng  dự án, từng đơn vị, từng địa phương, bộ ngành. Bãi bỏ ngay “xin-cho” đặc thù cho doanh nghiệp nhà nước, áp đặt triệt để nguyên tắc  cạnh tranh thị trường và  “lời  ăn,  lỗ  phá  sản”;  đồng  thời,  có  truy  cứu  trách  nhiệm  giải  trình  đối  với  những  tổ chức,  cá  nhân  trực  tiếp  quản  lý.

Cùng với đó, bãi  bỏ  ngay  các  loại  quy  hoạch  ngành,  quy  hoạch  sản  phẩm,  trừ  một  số  rất  ít  sản  phẩm đặc thù,  nhưng cũng  phài  thay  đổi cách  thức quy hoạch và quản lý quy hoạch.  “Đây là  di sản  lớn  nhất  còn  sót  lại  của  kế  hoạch  hóa  tập  trung,  là  nền  tảng,  công  cụ  của  cơ  chế  xin cho trong phân bố nguồn lực”, ông Cung nhận định.

Theo TS Huỳnh Thế Du, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có trong lịch sử. Đây là những cơ hội rất lớn để trở  nên phát triển hơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm gia nhập WTO cho thấy việc tận dụng các cơ hội không phải là điều đơn giản và các cơ hội đã biến thành thách thức. Với dư địa cho tăng trưởng sẵn có không còn và nội lực chưa được phát huy, thách thức phía trước với Việt Nam trên con đường hội nhập là rất lớn.

Trong bối cảnh ước muốn  là rất lớn, nhưng vai trò của Nhà nước là có hạn, Nhà nước chỉ nên tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng thay vì có sự  tham gia một cách chủ động như thời gian qua.

"Nói chung đây là lúc Nhà nước cần phải xác định rất rõ vai trò của mình và phân định rạch ròi những vấn đề  Nhà nước cần có vai trò, tránh việc làm thay thị  trường và cần thiết tạo môi trường để tránh sự câu kết nhằm tạo lợi ích nhóm”, TS Huỳnh Thế Du nói.

Thanh Hằng