Bản Để In

Mạnh mẽ tái cấu trúc, nhiều doanh nghiệp bước đầu thu quả ngọt

(Chinhphu.vn) - Được quản trị vốn chuyên nghiệp, đặc biệt có sự hỗ trợ của các chuyên gia về tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp, quyết liệt vận động gắn với thị trường, nhiều doanh nghiệp có vốn Nhà nước đã bước đầu có chuyển biến tích cực.

08/09/2021 09:40
Tổng Công ty May 10, thành viên của Vinatex thích ứng nhanh với đại dịch.

Chú trọng tính thị trường, tăng cường quản trị hiệu quả

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VnSteel) tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyển biến này có phần đóng góp lớn từ những thay đổi nội tại của doanh nghiệp.

Quý II, VnSteel đạt 10.924 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, còn lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 576 tỷ đồng.

Kết quả bứt phá mạnh mẽ của VnSteel, ngoài thuận lợi từ giá nguyên liệu cơ bản tăng mạnh, còn đến từ công tác tái cấu trúc nội tại ở doanh nghiệp, theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc VnSteel.

Phần vốn Nhà nước (gần 94%) tại VnSteel được chuyển giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý từ tháng 4/2019. Ngay sau đó, SCIC tập trung chỉ đạo người đại diện vốn phối hợp với Hội đồng quản trị, Ban điều hành VnSteel triển khai công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là hai khoản đầu tư dài hạn có giá trị lớn của VnSteel tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, tỉ lệ 65%) và Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM, tỉ lệ 46,85%).

Đến nay, SCIC đã cử 2 cán bộ tham gia Hội đồng quản trị VnSteel, 1 cán bộ tham gia Ban kiểm soát, đồng thời chỉ đạo Tổng công ty kiện toàn nhân sự Ban điều hành để tăng cường hiệu quả công tác quản trị.

Sau khi rà soát tổng thể các mặt hoạt động, tập trung vào đề án tái cơ cấu VnSteel, SCIC đã chỉ đạo bộ phận đại diện vốn phối hợp với Hội đồng quản trị VnSteel phê duyệt những điều chỉnh, bổ sung cần thiết làm cơ sở cho Tổng công ty triển khai tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh và khoản vốn đầu tư tại một số đơn vị thành viên hoạt động kém hiệu quả, trong đó dành nguồn lực xử lý các vướng mắc, tồn tại và thực hiện tái cơ cấu tại Tisco và VTM. Đặc biệt, kế hoạch hoạt động công ty mẹ và các đơn vị thành viên được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của của ngành thép, linh hoạt và chủ động tận dụng được các cơ hội trên thị trường để tối ưu hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Đơn cử như doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp tái cấu trúc là Tổng Công ty Sông Đà - CTCP. Ngay sau khi tiếp nhận Sông Đà từ Bộ Xây dựng từ 31/8/2020, SCIC đã làm việc với người đại diện và Hội đồng quản trị, Ban điều hành Sông Đà rà soát các công việc trọng tâm của Sông Đà, tập trung có phương án tài chính để trả nợ khoản vay. Nắm bắt và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động quản trị công nợ phải thu, cho vay; tình hình công nợ phải trả; ký phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản cho các khoản vay ADB; chủ trương tham gia đấu thầu dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng; sửa đổi ban hành một số quy chế nội bộ; và thực hiện quyền cổ đông của Sông Đà tại các công ty con, liên kết...

SCIC đã mời Deloitte vào rà soát đánh giá tổng thể hình hình tài chính và hoạt động SXKD của Tổng Công ty Sông Đà làm cơ sở đề xuất các giải pháp quản trị phù hợp và định hướng xây dựng chiến lược hoạt động trong thời gian tới.

Hiện nay, các công trình do Tổng Công ty Sông Đà thi công với vai trò tổng thầu thi công đã đi vào giai đoạn quyết toán, các dự án thủy điện mới có quy mô lớn cũng không còn nhiều, thêm vào đó khó khăn của dịch bệnh COVID-19 làm cho hoạt động SXKD của Sông Đà trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm tiếp tục khó khăn. Bởi vậy, tới đây, công tác quản trị, tái cơ cấu các khoản đầu tư tài chính, thu hồi công nợ, đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm các dự án, gói thầu mới nhằm năng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, là ưu tiên hàng đầu của Tổng công ty.

Với doanh nghiệp có hàng chục nghìn lao động như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Viantex), vượt qua những cú sốc do tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 quả thực không đơn giản. Đây cũng là quãng thời gian Vinatex được bàn giao về SCIC với nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động.

SCIC đã luôn đồng hành và hỗ trợ Vinatex trong các hoạt động SXKD thường xuyên của Tập đoàn như tái cấu trúc các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Vinatex tại các doanh nghiệp, sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Vinatex và đơn vị thành viên…

Do đó, Vinatex đã có kết quả tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản hằng năm (lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 293 tỷ đồng, năm 2020 đạt 146 tỷ đồng), hơn 150.000 lao động và mạng lưới đơn vị thành viên, nhà máy trải dài trên cả nước, được đảm bảo công ăn việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội cho các địa phương.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA…, ngành dệt may được đánh giá sẽ có nhiều đột phá trong thời gian tới. Vì vậy, các bước tái cấu trúc doanh nghiệp trong thời gian qua đã giúp doanh nghiệp tạo lập được nền tảng vững chắc, có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trở lại khi thị trường hồi phục. Những giải pháp này sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex chia sẻ.

Hướng đến tăng trưởng bền vững

Cái khó của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn là phải chịu nhiều quy định khắt khe cả về đầu tư và quản trị tài chính. Có nhiều thời điểm, nhìn thấy rất rõ cơ hội trên thị trường nhưng không nắm bắt kịp vì các quy trình, thủ tục phê duyệt dự án kéo dài.

“Thách thức và trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp Nhà nước là rào cản về cơ chế, chính sách, ví dụ cơ chế liên quan đến việc ra quyết định đầu tư, thoái vốn hay đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chế độ đãi ngộ cho người lao động”, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC nhận định.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng nên loại bỏ quan điểm vốn từ lâu đã gắn với doanh nghiệp Nhà nước là đầu tư phải có lãi, trong khi các yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh khó có thể lường trước. Đồng thời, chính sách nên hướng dần đến “hậu kiểm” hoạt động và đầu tư cho các doanh nghiệp thực sự hoạt động có hiệu quả. Điều này không chỉ tạo thêm lòng tin mà còn giúp doanh nghiệp không bị mất cơ hội đầu tư do tình trạng kéo dài của thủ tục hành chính.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận: Doanh nghiệp Nhà nước thường phải làm theo yêu cầu, nhiệm vụ của chủ sở hữu Nhà nước. Nay cần để họ tự quyết định cách thức thực hiện. Đừng khống chế DNNN chi bao nhiêu, mà quan trọng là DNNN làm ra bao nhiêu.

Nhận xét của giới chuyên gia đã cho thấy, các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư cần tiếp tục được triển khai, được trao cho doanh nghiệp Nhà nước mới có thể kỳ vọng đem đến sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Kinh nghiệm tái cơ cấu doanh nghiệp mà SCIC triển khai ở nhiều doanh nghiệp sau khi nhận bàn giao vốn Nhà nước đang được Tổng công ty này nhân rộng, phát huy mạnh mẽ, đặc biệt sẽ được đưa ra trao đổi, thảo luận ở đại hội cổ đông của nhiều doanh nghiệp, nhất là năm bản lề 2021 của nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025 tới đây.

Lê Sơn