Bản Để In

Mất 3 tháng chưa dán xong nhãn cho một động cơ

(Chinhphu.vn) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý gửi Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) về dự thảo Thông tư quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị (cho biết mức độ tiêu thụ năng lượng, thân thiện với môi trường).

11/21/2016 06:12
Ảnh minh họa
Nêu phản ánh của doanh nghiệp về sự chồng chéo, thiếu đơn vị được chỉ định thử nghiệm hiệu suất năng lượng, VCCI cho biết, hiện Bộ Công Thương chỉ định Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) là đơn vị duy nhất đủ điều kiện thử nghiệm hiệu suất năng lượng mặt hàng động cơ.

Nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh bản thân Quatest 1 không làm được việc này mà phải nhờ nhà máy động cơ Việt – Hung (ở Đông Anh – Hà Nội) thực hiện, gây rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí.

Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp ở miền Trung, miền Nam nói riêng.

Đặc biệt, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI dẫn chứng: "Có doanh nghiệp ở khu vực phía Nam phản ánh là họ chỉ nhập một cái động cơ điện để phục vụ sản xuất nhưng phải mang hàng ra tận Hà Nội để kiểm tra, thời gian kéo dài đến 3 tháng vẫn chưa xong".

Bên cạnh đó, thực tiễn phát hiện hàng hóa không đạt chuẩn rất thấp, theo kết quả khảo sát nhiều đơn vị Hải quan, nhiều DN trong 3 năm liền (từ 2014 đến 2016), tỷ lệ các trường hợp hàng hoá không đạt chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định chưa bao giờ tới 1% tổng số lô hàng được kiểm tra.

Sự chồng chéo với nhiều nội dung kiểm tra khác gây tốn kém, ví dụ, nồi cơm điện, quạt điện vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng để dán nhãn năng lượng, vừa phải kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với các thiết bị điện và điện tử (QCVN 4:2009/BKHCN). Máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, vừa phải kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng (QCVN 9: 2012/BKHCN)…

Cả hai thủ tục đều yêu cầu phải thử nghiệm, mỗi thủ tục phải nộp một mẫu sản phẩm để thử nghiệm, thậm chí nhiều trường hợp phải phá hủy sản phẩm có giá trị lớn.

Giải quyết tình trạng này VCCI đề xuất, Tổng cục Năng lượng cần tập trung sửa đổi các quy định có liên quan về trình tự, thủ tục thử nghiệm, dán nhãn để giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Cụ thể, đơn vị này đề nghị cơ quan soạn thảo cho phép sử dụng phương thức thử nghiệm mẫu điển hình, kết hợp với giám sát thông qua thử nghiệm lấy mẫu trên thị trường.

Theo phương thức này, cơ quan quản lý sẽ chỉ thực hiện kiểm tra với lô hàng đầu tiên, nếu đạt thì Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng sẽ được cấp cho mọi sản phẩm cùng nhãn hàng (model) chứ không phải cho từng lô hàng, kể cả khác nhà nhập khẩu. Nếu có sự thay đổi về thiết kế kỹ thuật của mặt hàng đó thì kiểm tra lại.

Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị bổ sung quy định về hậu kiểm hàng hoá trên thị trường bằng cách chọn kiểm tra ngẫu nhiên một sản phẩm được lưu thông trên thị trường. Nếu kết quả thử nghiệm không phù hợp với nhãn năng lượng đang được dán thì thông báo cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra với mẫu lớn hơn. Nếu kết quả kiểm tra mẫu lớn hơn cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp không đáp ứng được mức tiêu hao năng lượng như sản phẩm mẫu ,thì tiến hành xử lý vi phạm, từ phạt tiền cho tới truy cứu trách nhiệm hình sự... 

VCCI cũng đưa ra bình luận, do cơ quan Nhà nước vẫn có cơ chế hậu kiểm, giám sát hàng hoá trên thị trường... nên Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng có thời hạn 3 năm là không cần thiết và đề nghị bỏ quy định này trong dự thảo sửa đổi quy định dán nhãn năng lượng.

Cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm công nhận nhãn năng lượng của nước ngoài, kết quả thử nghiệm của các tổ chức nước ngoài, theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chương trình “Dán nhãn năng lượng” dưới hình thức tự nguyện được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2006 - 2011. Do là tự nguyện nên giai đoạn này có chưa đầy 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Tuy nhiên từ đầu năm 2012, chương trình áp dụng chế độ bắt buộc, số lượng doanh nghiệp đăng ký đã tăng lên nhanh chóng.

Theo đánh giá của Bộ KHĐT, việc kiểm tra hiệu suất và dán nhãn năng lượng đang là vấn đề vướng mắc và gây bức xúc nhất hiện nay cho doanh nghiệp và cả cơ quan hải quan trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ về vấn đề kiểm tra hiệu suất năng lượng, dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu, đề xuất sửa đổi cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Tổng cục Năng lượng về các giải pháp gỡ khó trong thủ tục dán nhãn năng lượng cho doanh nghiệp.

Thành Đạt