Bản Để In

Mô hình VEC và mục tiêu 2 ngàn km đường cao tốc

(Chinhphu.vn) - Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 đặt mục tiêu xây dựng hơn 2.000km đường bộ cao tốc. Đây là một trong những mục tiêu nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

01/17/2017 04:08
Từ một cơ chế thí điểm

Được thành lập theo chủ trương thí điểm mô hình doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hoàn vốn trong lĩnh vực đường bộ cao tốc được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận tại Văn bản 1245/CP-ĐMDN ngày 01/9/2004, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được xác định như là mô hình thí điểm để thực hiện chủ trương của Chính phủ xây dựng một đơn vị nòng cốt để tiếp nhận, huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia, đặc biệt là các nguồn vốn vay nước ngoài, theo yêu cầu của các nhà tài trợ cần phải có doanh nghiệp tiếp nhận và trực tiếp quản lý. Đây là mô hình quản lý đầu tư dự án mới thay thế hình thức Ban quản lý dự án thực hiện các dự án đầu tư do Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ làm Chủ đầu tư.

Theo mô hình này, việc huy động vốn của VEC được áp dụng cơ chế vay lại các nguồn vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính quốc tế như nguồn OCR của ADB, nguồn IBRD của WB và huy động vốn chủ sở hữu của VEC để thực hiện đầu tư dự án, được Chính phủ bảo lãnh khi vay vốn thương mại và khi phát hành trái phiếu công trình…

Cơ chế hoàn vốn, VEC được thu phí trước tiên để hoàn vốn phần vốn VEC vay và huy động, sau đó tiếp tục hoàn phần vốn Nhà nước cấp phát ODA, phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và để tái đầu tư các dự án mới.

Sau 12 năm hoạt động, VEC đã phát huy được vai trò là doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển, quản lý khai thác đường bộ cao tốc tại Việt Nam; mô hình của VEC bước đầu đã đạt được mục tiêu đề ra trong việc tiếp nhận và huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia.

VEC đã và đang thực hiện 6 dự án đường cao tốc, trong đó có 5 dự án thuộc trục cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài 582,8 km. Theo đó, VEC đã hoàn thành đưa vào khai thác 350km đường cao tốc, chiếm khoảng 52,6% tổng chiều dài đường bộ cao tốc toàn quốc; dự kiến cuối năm 2017 và trong năm 2018 sẽ đưa toàn bộ 540km đường cao tốc vào khai thác. VEC đã chủ động làm việc với các nhà tài trợ để vay lại và huy động được 53.969 tỷ đồng, đạt mục tiêu về thu xếp nguồn vốn…

Ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC cho biết, mô hình tổ chức và hoạt động của VEC theo đúng mục tiêu của Chính phủ, đó là doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam. Các tuyến đường cao tốc khi đưa vào khai thác đã góp phần to lớn làm thay đổi diện mạo ngành Giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nơi dự án đi qua, tiết kiệm chi phí vận tải so với lưu thông theo lộ trình cũ từ 15-30%. Lưu lượng tham gia giao thông trên dự án  của VEC tăng trưởng từ 20-25% trong những năm đầu đưa vào khai thác.

Bảng so sánh lưu lượng trên một số tuyến cao tốc. Đơn vị: Lượt xe

Hướng đến mục tiêu 2 ngàn km đường cao tốc

Mục tiêu đến năm 2020, VEC đầu tư khoảng 1.000km và sau 2030 là 2.000km đường cao tốc phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, việc cân đối nguồn tài chính để đạt mục tiêu trên là bài toán không hề đơn giản

Mô hình đặc thù đầu tiên trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nhìn từ VEC mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng cũng còn một số hạn chế, như tổng mức đầu tư các dự án đường cao tốc rất lớn so với vốn chủ sở hữu của VEC (hiện tại vốn điều lệ của VEC mới có 1.000 tỷ đồng), tỷ lệ nợ quá lớn nên việc đi vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu là không đảm bảo quy định theo Luật Quản lý nợ công. Hiện nay, VEC đã xây dựng cơ chế chính sách trong đó có phương án đầu tư theo hình thức PPP, đồng thời nghiên cứu việc  huy động vốn bằng hình thức chuyển nhượng các tuyến đường cao tốc và cơ chế hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để đầu tư xây dựng đường cao tốc.

Hạ tầng là nhân tố quyết định tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, là yếu tố đầu vào của sản phẩm, hàng hóa, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành Giao thông diễn ra hôm 10/1/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh cần xây dựng cơ chế đặc thù đối với  ngành  Giao thông vận tải để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, các dự án đường cao tốc cấp bách.

Theo một số chuyên gia, để  mô hình của VEC tiếp tục phát triển và là đơn vị nòng cốt trong việc xây dựng đường bộ cao tốc phù hợp với giai đoạn hiện nay, một trong những vấn đề đặt  ra cần cơ chế hoạt động ổn định từ đầu tư, huy động vốn đến cơ chế quản lý tài chính các dự án của VEC trong thời gian khai thác, đồng thời cần sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách đặc thù đã được quy định từ năm 2011 về huy động vốn, cụ thể: Đối với các dự án đường cao tốc được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định là có hiệu quả, có khả năng hoàn vốn thì nên được áp dụng cơ chế cho vay lại từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ; từ nguồn vốn vay thông thường hoặc vay thương mại của các Chính phủ.

Được biết hiện nay, cơ chế chính sách trong đó có phương án đầu tư theo hình thức PPP, cũng như việc huy động vốn bằng hình thức chuyển nhượng các tuyến đường cao tốc và cơ chế hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để đầu tư xây dựng đường cao tốc đang được VEC hướng tới như là giải pháp phù hợp để giúp VEC hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đặt ra.

 Linh Đan