Bản Để In

Môi trường kinh doanh nhất định phải được cải thiện

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2015, tổ chức ngày 14/5, tại Hà Nội.

05/14/2015 05:40
Hơn 300 đại biểu đến từ các DN, hiệp hội, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu… đã cập nhật thông tin về những chủ đề và xu hướng mới liên quan đến phát triển bền vững, đồng thời tìm hiểu và thảo luận về các thông lệ, giải pháp và mô hình kinh doanh bền vững trên thế giới và Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng của DN trong phát triển bền vững. Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã được Việt Nam hoàn thành với nguyên lý tập trung cho con người. Đây là nỗ lực của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng DN, các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng nói: Ai cũng biết nếu đầu tư 1 đồng vào Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn là đầu tư 1 đồng đó vào những vùng khó khăn, song chủ trương của Đảng, Nhà nước ngay từ đầu là ưu tiên phát triển cân bằng cho vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo.

Nhưng câu hỏi làm thế nào để thời gian tới Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, theo kịp quỹ đạo của các nền kinh tế phát triển trong khu vực được nêu lên tại diễn đàn cho thấy yêu cầu phải chuyển đổi mạnh mẽ mô hình, cũng như động lực tăng trưởng mới theo hướng bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng muốn phát triển bền vững thì trước hết kinh tế phải phát triển. Muốn vậy môi trường kinh doanh nhất định phải được cải thiện. Những gì còn gây vướng mắc, cản trở sự cạnh tranh bình đẳng phải tiếp tục được tháo gỡ, tiếp tục hoàn thiện. DN phát triển tốt thì được ưu tiên tiếp cận tài nguyên, đất đai, vốn...

Từ đó DN mới có động lực quan tâm, đầu tư cho phát triển bền vững thay vì suy nghĩ đơn thuần trước mỗi cơ hội kinh doanh. Mục đích cuối cùng là làm sao gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai; đối phó hữu hiệu với nguy cơ từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng; để các giá trị phát triển của đất nước, của dân tộc được thế giới công nhận, tôn trọng… Đồng thời giải quyết được các vấn đề xã hội về chênh lệch giàu nghèo và tạo cơ hội cho vùng khó khăn phát triển.

Tầm nhìn ấy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có vai trò đóng góp hết sức quan trọng của DN… Chính phủ sẽ luôn đồng hành, nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cộng đồng DN Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, bình đẳng. Tiêu biểu là trong năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, các DN cần phát huy những thế mạnh sẵn có để phát triển nhanh và bền vững.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Tại diễn đàn, các diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế cho rằng: Việt Nam có thể tự hào với những tiến bộ đạt được trong việc thúc đẩy và phát triển mô hình DN xã hội bền vững. 

Theo ông Vorapong, Giám đốc quan hệ Chính phủ khu vực Đông Nam Á, đồng Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam, thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả của phát triển bền vững, chúng ta cần phát triển một công cụ đo lường để ghi lại những nỗ lực của DN trong quá trình phát triển DN bền vững hơn.

Do đó, Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam đặt kế hoạch xây dựng Bộ chỉ số DN phát triển bền vững bao gồm các tiêu chí phù hợp với bối cảnh chính trị và xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế cho tất cả các bên liên quan, bao gồm DN, chính quyền, nhà đầu tư và công chúng.

Phân tích vai trò của DN trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN bền vững, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, khối tư nhân và cộng đồng DN trong khu vực, thông qua trách nhiệm xã hội của DN đã và sẽ có khả năng góp phần vào quá trình xây dựng và tăng cường Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển, phúc lợi và bảo trợ xã hội, thúc đẩy công bằng xã hội và nhân quyền, đảm bảo sự bền vững môi trường.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để nâng cao khả năng cạnh tranh, các DN cần phát huy những thế mạnh sẵn có để trụ vững trên thị trường, duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cần chủ động tìm kiếm hướng đi mới, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội do xu thế phát triển bền vững trên toàn cầu mang lại.

Đình Nam