Bản Để In

Một năm “chạy nước rút” vì DN: Cải thiện 5 lĩnh vực chủ chốt

(Chinhphu.vn) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Chính phủ về kết quả một năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016.

12/28/2015 02:45
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là Nghị quyết được ban hành ngày 12/3/2015, tiếp theo Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2014 về vấn đề này.

Báo cáo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương hôm nay, ngày 28/12/2015. Dài 19 trang, Báo cáo còn có các phụ lục, đánh giá hết sức thẳng thắn và chi tiết mức độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đối với từng Bộ, cơ quan.

Doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng

Báo cáo chỉ rõ, sau hai năm triển khai hai Nghị quyết nói trên, thứ hạng năng lực cạnh tranh năm nay của Việt Nam đã tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90 (theo cách tiếp cận của Doing Business 2016), và có sự cải thiện ở 5 chỉ số, gồm: Khởi sự doanh nghiệp (tăng 7 bậc), Tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc), Tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc), Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (tăng 4 bậc), và Giải quyết phá sản doanh nghiệp (tăng 2 bậc).

Do xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới năm nay ghi nhận những thay đổi trong năm 2014, trong khi một số văn bản như Luật Doanh nghiệp và một số quy định về thuế có hiệu lực sau thời điểm đó, vì vậy dự kiến sang năm tới, các chỉ số này của nước ta sẽ có thứ hạng tốt hơn.

Trong đó, các lĩnh vực Khởi sự kinh doanh, Hải quan, Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội, Tiếp cận điện năng đã có cải thiện tích cực. Kết quả khảo sát các Hiệp hội doanh nghiệp và Liên minh hợp tác xã cho thấy: 3 lĩnh vực nhận được đánh giá tích cực nhất là Thành lập doanh nghiệp (84%); Nộp thuế (75%); và Hải quan (68%).

Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại vốn được đánh giá là rất khó cải cách, nhưng cũng đã cótín hiệu cải thiện. Lý do là một số nội dung của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 vừa được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 đã được thiết kế theo hướng cải thiện quy trình, thủ tục tố tụng, đáp ứng các yêu cầu về thời gian, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, nhờ đó rút ngắn thời gian giải quyết.

“Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ, của một số Bộ, cơ quan và địa phương trong thời gian qua. Doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng nhiều vào Nghị quyết 19 trong việc cải thiện môi trường kinh doanh”, báo cáo viết.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm thứ bậc. Ví dụ, thời gian thực hiện các thủ tục Cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày (từ 114 ngày lên 166 ngày). Đăng ký sở hữu tài sản thêm 1 thủ tục (từ 4 thủ tục lên 5 thủ tục), điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình thấp. Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 1 bậc do những bất cập về quản lý chuyên ngành.

Việc thực hiện cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng) với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa có cải thiện đáng kể.

Chấm dứt tụt hạng

Báo cáo chỉ rõ, có sự khác biệt lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết giữa các Bộ, và giữa các địa phương. Các Bộ, cơ quan gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, VCCI triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu.

Về phía các địa phương, thành phố Hồ Chí Minh vẫn là điển hình tốt trong triển khai thực hiện Nghị quyết.

Còn lại phần lớn các Bộ, cơ quan và địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu như chỉ đạo của Nghị quyết.

Để tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của Nghị quyết 19 (ngày 12/3/2015). Định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết mới về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu.

Cụ thể, tiếp tục củng cố và cải thiện thứ hạng của các chỉ số đã cải thiện tăng bậc trong hai năm qua; chấm dứt tụt hạng và nhanh chóng cải thiện thứ bậc xếp hạng của các chỉ số còn lại; tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó chú ý: (i) bãi bỏ các quy định không cần thiết; giảm đối tượng quản lý chuyên ngành; giảm hồ sơ, thủ tục, chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan; (ii) tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với hải quan; thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công qua mạng; (iii) chuyển mạnh sang hậu kiểm và thực hiện quản lý trên cơ sở rủi ro.

Cùng với đó, mở rộng thêm một số chỉ tiêu về năng suất lao động, hiệu quả thị trường hàng hóa và phát triển thị trường tài chính, dựa trên cách tiếp cận của Báo cáo xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố hàng năm; triển khai thí điểm các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính tại địa phương.

Hà Chính