Bản Để In

Muốn đóng thuế nghiêm túc cũng khó!

(Chinhphu.vn) – Đây là tâm trạng được nhiều đại biểu chia sẻ tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ngày 10/5.

05/11/2016 10:37
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo-Ảnh VBA
Các đại biểu tham dự hội thảo do Hội Tư vấn thuế (VTCA) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/5 đều kiến nghị thuế cần ổn định, minh bạch để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, thuế tiêu thụ đặc biệt đang tạo ra đến 9% thu ngân sách nhưng doanh nghiệp cũng kêu nhiều nhất về tính minh bạch, tính hợp lý, thay đổi quá nhanh, khó tiên liệu, thiếu thống nhất, gánh nặng thuế lớn và đặc biệt là lộ trình tăng thuế quá gấp...

Tho ông Tuấn, những quy định của luật này cũng tạo ra rủi ro lớn cho người nộp thuế, dù đã nộp thuế rồi nhưng chưa biết mình nộp đủ hay không, có thể phải sau một thời gian sau mới biết. Nguyên nhân là quy định giá tính thuế "không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm do các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra".

“Chưa nói đến mức 7% là mức ấn định cứng nhắc khiên cưỡng và đánh đồng tất cả các ngành hàng, mà giá bình quân trong tháng cực kỳ đa dạng, tuỳ thời điểm thị trường, tuỳ mặt hàng được tính, tuỳ người xác định, tuỳ cách xác định... Quá khó để trở thành người đóng thuế nghiêm túc!”, ông Tuấn chia sẻ sau hội thảo.

Theo ông Tuấn, thách thức lớn nhất của luật thuế TTĐB là làm sao đừng siết quá chặt với những doanh nghiệp trong nước làm ăn đàng hoàng, mà lại tạo ra cơ hội vàng cho hàng nhập ngoại, hàng buôn lậu... chiếm lĩnh thị trường.

Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh chính sách thuế phải minh bạch, hiệu quả. Chính sách thuế TTĐB cần được xây dựng cho trung hạn và dài hạn, có tính ổn định và dự báo được. Lộ trình điều chỉnh thuế phải hài hòa lợi ích của tất cả các ngành. Tăng thuế nhưng phải đảm bảo được các doanh nghiệp tồn tại và hoạt động để ngân sách nhà nước có nguồn thu bền vững, đảm bảo cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá, ủng hộ chính sách thuế TTĐB của Nhà nước nhưng phải minh bạch và hợp lý. “Chúng tôi muốn đóng thuế xong rồi thì tối về ngủ ngon, không lo sáng mai bị phạt. Tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn chân chính mà cứ phập phồng lo sợ” - ông Triết nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu  - Nước giải khát Việt Nam cũng cho rằng việc thực hiện chính sách về thuế TTĐB của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do một số quy định chưa phù hợp, thay đổi nhiều lần và thời gian quá gấp.

Trước đó, các doanh nghiệp bia cũng đã lên tiếng về cách tính thuế mới theo các văn bản hướng dẫn thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 1/1/2016. Ngoài ra, hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với bia cũng đang ở mức 55% và trong lộ trình lên 65% vào năm 2018.

Các doanh nghiệp cho biết việc áp dụng đồng thời 2 quy định trên sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, khiến họ phải đóng thêm cả ngàn tỷ đồng tiền thuế trong năm 2016. Điều này sẽ ăn mòn lợi nhuận và khiến giá bia tăng mạnh.

Máy lạnh có là hàng xa xỉ?

Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị có một số mặt hàng nên đưa ra khỏi danh mục đánh thuế TTĐB.

Ông Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nói: “Hiện nay có những mặt hàng như máy điều hòa nhiệt độ công suất 9.000 BTU có cần thiết phải đánh thuế nữa không?”.

Theo ông Hải, hiện nay Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước nghèo, thu nhập và nhu cầu hưởng thụ chính đáng của người dân tăng lên. Do đó việc áp dụng thuế TTĐB với một số mặt hàng thiết yếu như máy lạnh, xe máy, ô tô… sẽ không còn phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng máy lạnh không còn là hàng xa xỉ nữa.

“Tôi đã từng kiến nghị bỏ đánh thuế đối với sản phẩm này. Người Việt Nam liệu có nghèo đến mức không thể dùng máy lạnh không? Hơn nữa, thời tiết nóng bức thế này mà trẻ em, các cụ già không có loại máy này thì ốm hết… Vì sức khỏe cộng đồng, tôi đề nghị nên bỏ thuế đánh vào máy lạnh”.

Bà Cúc nói tiếp nhiều loại thuế TTĐB có vẻ đưa vào cho “đẹp” danh sách như thuế TTĐB đối với vàng mã, hàng mã… Theo bà, chỉ có một nhà máy sản xuất mặt hàng này ở Hải Dương là xuất khẩu được vàng mã. Còn ở những khu phố khác ở Hà Nội bán đầy hàng mã nhưng có thu được đồng thuế TTĐB nào.

Thành Đạt