Bản Để In

Nâng cao năng lực cạnh tranh trong giáo dục đào tạo

(Chinhphu.vn) – Ngành Giáo dục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó chú trọng đại học. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

06/08/2015 02:32

Ảnh minh họa
Đây là mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch hành động do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016.

Theo đó, ngành Giáo dục tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, hội nhập quốc tế với lộ trình phù hợp; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội, thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Một trong những giải pháp quan trọng thực hiện Kế hoạch là rà soát hệ thống pháp luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học hàng đầu quốc tế mở cơ sở đào tạo ở Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Ngoài ra, mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, tự chủ về chương trình, nội dung đào tạo và khảo thí cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo theo cơ chế thị trường gắn với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và đầu ra.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa Việt Nam với các quốc gia khác; mở rộng các chương trình trao đổi và dịch chuyển sinh viên quốc tế; tăng cường ký kết thỏa thuận hợp tác giáo dục song phương, đa phương và công nhận bằng cấp với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lan Phương