Bản Để In

Ngành giao thông nỗ lực giải ngân gần 17.000 tỷ đồng cuối năm 2021

(Chinhphu.vn) - Những tháng cuối năm 2021, Bộ GTVT cần giải ngân 16.900 tỷ đồng trong tổng số 43.397 tỷ đồng được giao. Đây là con số lớn trong bối cảnh những tháng cuối năm miền Trung và Tây Nguyên vào mùa mưa và dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.

09/29/2021 03:05
Bộ GTVT tổ chức giao ban công tác 9 tháng năm 2021 sáng 29/9. Ảnh: VGP/PT
Giải ngân đúng tiến độ
 
Theo Báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư, đến hết tháng 9/2021, Bộ GTVT giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch.

Trong đó, vốn trong nước giải ngân được 24.332/38.564 tỷ đồng (đạt 63,5%), vốn nước ngoài giải ngân được 2.390/4.837 tỷ đồng (đạt 49,1%). Kết quả giải ngân chung này đáp ứng tiến độ giải ngân theo Nghị quyết 63 của Chính phủ (hết tháng 9/2021, giải ngân tối thiểu đạt 60%).
 
Để đạt được kết quả này, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 6 đợt cho 20 dự án, với giá trị vốn điều chỉnh 3.965 tỷ đồng từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt. Đáng chú ý, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2015, Bộ GTVT đã giao chi tiết 286 tỷ đồng để trả nợ địa phương (QL3, Thái Nguyên và QL54, Đồng Tháp).
 
Đặc biệt, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về công tác giải ngân do Bộ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư cũng nhận định, kết quả giải ngân 9 tháng của năm 2021 so với cùng kỳ năm trước thấp hơn. Nguyên nhân do dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều địa phương, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, thiếu nguyên vật liệu đất đắp và cát, thiết bị cung ứng vật tư chưa thể nhập về do giãn cách xã hội ảnh hưởng tiến độ giải ngân…
 
Những tháng cuối năm 2021, theo kế hoạch, Bộ GTVT cần giải ngân 16.900 tỷ đồng trong tổng số 43.397 tỷ đồng được giao. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đây là con số lớn trong bối cảnh những tháng cuối năm miền Trung và Tây Nguyên vào mùa mưa, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Nhiệm vụ này cần các ban quản lý dự án, chủ đầu tư quyết liệt chỉ đạo điều hành dự án để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công.
 
Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương nhưng các công trường xây dựng giao thông không nghỉ bất kỳ ngày làm việc nào. Ảnh: VGP/PT
Khởi công mới 67 dự án giai đoạn 2021-2025
 
Trong dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dự kiến triển khai khởi công mới 67 dự án (11 dự án PPP và 56 dự án đầu tư công).
 
Trong số 11 dự án dự kiến đầu tư theo phương thức PPP, có 5 dự án quan trọng quốc gia gồm dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (Bộ GTVT đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định trước khi trình Quốc hội thông qua theo quy định).
 
Cùng với đó, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hiện Bộ GTVT đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội thông qua trong năm 2022. Hai dự án Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TPHCM được Thủ tướng Chính phủ giao Hà Nội và TPHCM là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT đang phối hợp với 2 địa phương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án.
 
Bốn dự án đường cao tốc nhóm A gồm Biên Hòa - Vũng Tàu (đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư); Dầu Giây - Tân Phú (dự kiến họp Hội đồng thẩm định trong tháng 9/2021, trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư); dự án Chơn Thành - Đức Hòa và dự án An Hữu - Cao Lãnh (hiện đang rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi).
 
Với 56 dự án đầu tư công, Bộ GTVT cho biết có: 6 dự án nhóm A; 49 dự án nhóm B, C; 1 dự án quan trọng quốc gia là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hiện Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện, trao đổi với nhà tài trợ JICA để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án.
 
Hoạt động vận tải trong bối cảnh “bình thường mới” cần phải linh hoạt hơn trước. Ảnh minh họa
Duy trì vận tải thông suốt
 
Liên quan đến công tác bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch COVID-19, Bộ GTVT cho biết, Bộ đang đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực sau khi kết thúc giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế.
 
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, hoạt động vận tải trong bối cảnh “bình thường mới” cần phải linh hoạt hơn trước. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải rà soát lại kế hoạch, ban hành chi tiết các yếu tố liên quan đến y tế, dịch tễ, phòng chống dịch bệnh để có phương án tổ chức giao thông thuận tiện hơn cho nhân dân sau thời gian giãn cách xã hội vừa qua.
 
Bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với các địa phương xử lý ngay những điểm ùn tắc giao thông, triển khai nhiều giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu, Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu giám đốc các Sở GTVT các tỉnh, thành phố kiểm tra tình trạng giao thông trên các tuyến đường. Xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo chủ tịch UBND tỉnh, thành phố kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gây ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch và chấm dứt ngay tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường bộ. Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thu hồi ngay các văn bản không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gây ùn tắc giao thông. Thực hiện tiền kiểm, hậu kiểm các phương tiện vận tải theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021 về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19.

Phan Trang