chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Đây là ý kiến của ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tại cuộc họp báo giới thiệu các nội dung mới của Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về Quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết do Tổng cục Thuế tổ chức chiều 9/11 tại Hà Nội.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị có nêu: “Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá”; “Hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá”.
Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, trong đó có Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (Luật Quản lý thuế số 38), Luật Thuế Thu nhập DN số 14/2008/QH12 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế Thu nhập DN; tiếp cận với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế trong việc quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, trong đó có cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và phù hợp điều kiện bối cảnh của Việt Nam.
Đến ngày 5/11, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kêt (thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017).
Nghị định gồm 4 chương, 23 điều, kế thừa những nội dung đã được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP mà trong thực tế không có vướng mắc, chỉ sửa đổi và bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc sửa đổi một số điều để đảm bảo rõ ràng, minh bạch.
Theo Phó Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, một trong những điểm mới là quy định về khống chế chi phí lãi vay lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. Do đó, không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình triển khai mà nguyên nhân chính là do DN Việt Nam có vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay, vốn chủ sở hữu thấp.
Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Quy định về khống chế lãi vay được trừ theo quy định mới đã cơ bản khắc phục những nhược điểm của quy định cũ, có quy định hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ khoảng 4.785 tỷ đồng.
Nghị định mới cũng mở rộng đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Đó là, các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các DN vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).
Trong quá trình xây dựng chính sách, ngay từ đầu các DN FDI rất tích cực tham gia góp ý một cách bài bản, thông qua các đại diện của họ như EuroCham (châu Âu), VJBA (Nhật Bản), KORCHAM (Hàn Quốc), Amcham (Hoa Kỳ).
Đây là quy định tuân thủ chương trình hành động BEPS, nên trong các Hội thảo giữa cơ quan thuế, Ngân hàng Thế giới (WB) các chuyên gia quốc tế đã tích cực đóng góp các ý kiến vào dự thảo dưới góc nhìn từ các DN nước ngoài.
Các DN FDI cho rằng, các quy định trong dự thảo Nghị định của Việt Nam không phải mới mà thực ra đã là thông lệ tốt mà các nước vẫn thường áp dụng để chống chuyển giá, các DN có nghĩa vụ phải tuân thủ.
Về phía mình, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định đã lắng nghe, nắm bắt các ý kiến đóng góp, nhằm tháo gỡ khó khăn DN trong nước.
Nhìn chung các DN Việt vẫn gặp khó khăn, có không ít DN, vốn chủ sở hữu ít, nhưng 1 tập đoàn có khi lập ra hàng trăm DN, dẫn đến tình trạng khá nhiều DN vốn mỏng.
Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, các DN đặc biệt là tư nhân cần có thời gian tích tụ vốn, tuy nhiên, nguyên tắc của WTO quản lý là phải đối xử công bằng giữa các DN trong nước và nước ngoài.
Trong Nghị định 132 cũng đã có những điều quy định về những DN được loại trừ. Thực tế, trong số các đối tượng điều chỉnh, có tới 83% là các DN FDI, còn lại là các DN Việt có đủ để nằm trong phạm vi áp dụng điều chỉnh của Nghị định cần tuân thủ nghĩa vụ thuế nghiêm túc.
“Bên cạnh việc siết chặt quản lý thuế, chống chuyển giá, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong đó có Bộ Tài chính, ban hành các chính sách khách hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DNVVN”, Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh phân tích.
Huy Thắng