Bản Để In

Nghị quyết 49 của Chính phủ: Tăng trưởng, lạm phát và cải cách

(Chinhphu.vn) – Theo ý kiến chuyên gia, “Chính phủ chắc chắn nhận thức rõ rằng nguồn lực cho tăng trưởng không thể đến từ việc mở rộng chính sách tiền tệ một cách bất cẩn để đẩy mạnh đầu tư và tiêu dùng”.

06/17/2016 10:00
Chính phủ quyết tâm không điều chỉnh các mục tiêu cho năm 2016
TS Phan Minh Ngọc nhận định như vậy khi nhận xét về mối quan hệ giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu ổn định các cân đối vĩ mô được đề cập trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.  Trong bài viết đăng tải trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, vị chuyên gia cho rằng đây là một trong những thông điệp quan trọng nhất của Nghị quyết.

Theo tác giả, một mặt, tuy Chính phủ nhận định tình hình kinh tế - xã hội trong năm tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức, với kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, lạm phát có nguy cơ tăng, xuất khẩu tăng trưởng thấp... nhưng mặt khác Chính phủ quyết tâm không điều chỉnh các mục tiêu, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Từ thông điệp này, có thể hiểu rằng Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% đã được đặt ra cho năm 2016.

Cách nào?

Tác giả phân tích: Như Chính phủ đã nhìn nhận, bối cảnh trong và ngoài nước năm tháng qua không hề thuận lợi cho tăng trưởng, và đây có lẽ cũng là lý do để Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2016 xuống còn 6,2%, thấp hơn tới 0,4 điểm phần trăm so với dự báo của họ đưa ra hồi tháng 1 năm nay.

“Nhưng có lẽ Chính phủ có niềm tin và lý lẽ riêng để đưa ra quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng tham vọng như vậy. Xét trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ chắc chắn nhận thức rõ rằng nguồn lực cho tăng trưởng không thể đến từ việc mở rộng chính sách tiền tệ một cách bất cẩn để đẩy mạnh đầu tư và tiêu dùng. Điều này được thể hiện ở việc Chính phủ thẳng thắn thừa nhận rằng lạm phát có nguy cơ tăng. Như vậy, một trong những nguồn lực cho tăng trưởng có tiềm năng nhất sẽ phải là cải thiện năng suất lao động xã hội”, TS Phan Minh Ngọc phân tích.

Vậy năng suất lao động xã hội sẽ được cải thiện bằng cách nào? Theo TS Phan Minh Ngọc, điều này đã được gián tiếp trả lời bởi chính những quyết nghị liên quan đến xây dựng và hoàn thiện thể chế trong Nghị quyết 49.

“Nói nôm na thì một trong những trọng tâm điều hành của Chính phủ là “cởi trói” cho nền kinh tế, hạ thấp và xóa bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư, khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia. Những vấn đề này đã được đề cập khá chi tiết và cụ thể trong quyết nghị 1 và 2 của Nghị quyết 49. Tất nhiên, từ chính sách đến hành động là một quãng đường dài nhưng nếu Chính phủ mới kiện toàn quyết tâm thực hiện như những gì đã thể hiện trong mấy tháng qua thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay không phải là viển vông, bất khả thi, và nếu đạt được thì cũng không nhất thiết gây thêm bất ổn vĩ mô”, ông viết.

Tương tự như vậy là việc Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát, trên cơ sở đó giảm lãi suất.

Theo TS Phan Minh Ngọc, việc này cho thấy, tuy quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP nhưng có thể hiểu rằng Chính phủ sẽ không mạo hiểm và sẵn lòng đánh đổi lạm phát lấy tăng trưởng như trước đây, lãi suất đã được xác định không phải là yếu tố sống còn cho tăng trưởng, mà thay vào đó là tập trung vào những giải pháp tăng trưởng phi tiền tệ như cải cách thể chế nói ở trên.

Thể chế tạo động lực cho phát triển

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là tình hình ban hành các văn bản quy định về điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư, đã được nhấn mạnh là nội dung đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với các thành viên Chính phủ: “Đây chính là nút thắt quan trọng, là khâu đột phá mà Đảng, Nhà nước đã xác định. Thể chế, thể chế và thể chế. Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế. Xử lý từng vụ việc cụ thể rất quan trọng nhưng phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho công tác thể chế”.

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải đặc biệt quan tâm và trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; quán triệt tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Riêng về các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, Nghị quyết chỉ rõ phải “kiên quyết cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, loại bỏ các giấy phép con bất hợp lý, không đặt ra các quy định mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; quy định về điều kiện đầu tư phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho phát triển”.

Thành Đạt