chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Nghị quyết 128/NQ-CP quy định hoạt động sản xuất được duy trì trong tất cả các cấp độ dịch khác nhau. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 10, việc kiểm soát dịch COVID-19 tại nhiều địa phương, trong đó có TPHCM và các tỉnh phía Nam đã có chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, từng bước phục hồi kinh tế trong trạng thái "bình thường mới" theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Sự phục hồi của ngành công nghiệp thể hiện ở chỉ số IIP tháng 10 tăng 6,9% so với tháng 9. Cụ thể, ngành khai khoáng ghi nhận tăng 9%, chế biến, chế tạo tăng 6,7%, sản xuất và phân phối điện tăng 7,5%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,7%.
Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3%, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020.
Tiêu biểu, chỉ số IIP 10 tháng của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước, như sản xuất kim loại tăng 25,1%, sản xuất xe có động cơ tăng 12,5%, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,5%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như thép cán tăng 37,3%, sắt thép thô tăng 11,4%, đồng hồ thông minh tăng 23,7%, linh kiện điện thoại tăng 38,8%, ô tô tăng 12,4%, khí hóa lỏng LPG tăng 14,1%,; xăng dầu các loại tăng 15,5%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,3%, công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 11,9%, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 8,8%, sản xuất đồ uống giảm 5,8%, sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,4%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,1%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 đang dần hồi phục sau ảnh hưởng của việc bùng phát dịch COVID-19 vừa qua. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng qua, ngành công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nguyên nhân do còn một số địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định Nghị quyết số 128 và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Một số địa phương chậm ban hành các hướng dẫn mới, gây khó khăn cho DN trong việc phục hồi sản xuất, đặc biệt các quy định phòng, chống dịch khắt khe đã khiến nhiều DN rơi vào tình trạng thiếu lao động. Việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng DN bị đình trệ quá lâu, đã và đang tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế đất nước.
Doanh nghiệp đang nỗ lực tăng tốc hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Ảnh minh họa |
Để sản xuất công nghiệp sớm "khỏe mạnh" trở lại, Bộ Công Thương cho rằng, cần sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 128, bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất... gây khó khăn cho việc phục hồi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và lao động cho sản xuất.
Về phía mình, Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu và năng lượng đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Đồng thời, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại đã và đang thực hiện để thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh thương mại điện tử, tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiêu thụ.
Về dài hạn, Bộ Công Thương cho rằng, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực, như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da -giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm... Trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các DN công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án công nghiệp quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ, tận dụng đối đa dòng vốn dịch chuyển trong thời gian tới.
"Từ tháng 11, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các biện pháp hỗ trợ DN khôi phục sản xuất được địa phương triển khai đồng bộ, thì sản xuất công nghiệp trong 2 tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng rõ ràng hơn", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
92% doanh nghiệp tại TPHCM đã hoạt động trở lại. Ảnh minh họa |
Sau 1 tháng TPHCM cho phép các DN khôi phục, mở cửa trở lại, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM thông tin, với việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, cùng với sự nỗ lực của chính các DN, tình hình sản xuất công nghiệp tại TPHCM trong tháng 10 đã dần khởi sắc.
Hiện hơn 1.300 công ty, nhà máy trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đã mở cửa trở lại và đạt hơn 92%, với hơn 230.000 công nhân, người lao động trở lại làm việc, đạt khoảng 70%.
Chỉ số IIP tháng 10 của TPHCM tăng 23,6% so với tháng 9. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,5%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,4%, sản xuất và phân phối điện tăng 0,9%... Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 cũng tăng 19,7%.
Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số IPP trên địa bàn TPHCM vẫn giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Để tiếp tục hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, Sở Công Thương TPHCM tiếp tục tăng cường kết nối ngân hàng với DN, kết nối đến từng ngành nghề với các gói hỗ trợ ưu đãi để DN lựa chọn theo nhu cầu; tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu đầu tư công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ DN đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ để cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ DN mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại Hà Nội, chỉ số IIP tháng 10 ước tính tăng 10,2% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện các cụm công nghiệp, DN, cơ sở sản xuất tại Hà Nội đều triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhiều đơn vị đạt công suất 80-90%. Tuy nhiên, các DN vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, nhân công… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết các DN không đạt kế hoạch sản xuất năm 2021 và chỉ đạt khoảng 95% giá trị sản xuất năm 2020.
Để phục hồi sản xuất kinh doanh, các DN đề xuất UBND TP. Hà Nội tiếp tục miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, kết nối tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cho phép DN chủ động hơn trong xây dựng giải pháp phòng dịch; có chính sách tạo điều kiện cho người lao động đi lại làm việc; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thông suốt để DN tăng tốc hoàn thành các đơn hàng còn tồn đọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm phòng chống dịch COVID-19.
Phan Trang