Bản Để In

Nhà đầu tư kêu BOT rủi ro: Hãy công khai

(Chinhphu.vn) – Các dự án BOT đã giúp thay đổi rất lớn bộ mặt hạ tầng giao thông của đất nước, nhưng mặt khác, cả người dân lẫn nhà đầu tư đều cho rằng hình thức này ẩn chứa những rủi ro.

06/08/2016 11:11

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong giai đoạn 2011-2015 đã huy động vốn tư nhân được 186.660 tỷ đồng, chiếm 42% trong tổng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, với 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

Kết quả, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện năm 2014, tính khả dụng của hạ tầng giao thông đứng của Việt Nam ở vị trí 74 toàn cầu, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng tới 29 bậc so với năm 2010.

Nhà đầu tư cũng kêu rủi ro

Tuy nhiên, dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng gần đây cũng đặc biệt quan tâm tới nhiều khía cạnh khác của hình thức đầu tư này, cụ thể là về chất lượng công trình và đặc biệt là về phí.

Theo báo cáo của Bộ GTVT tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và BT do Bộ này tổ chức hôm 7/6 tại Hà Nội, hiện có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ. Nhưng không phải tất cả số trạm thu phí nêu trên được đặt theo các vị trí đúng quy định là cách 70 km trên cùng tuyến đường mới có một trạm. Một số trạm đặt ngoài phạm vi dự án hoặc có đến 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km.

Hơn nữa, về mức thu phí và lộ trình tăng phí, Bộ GTVT cho biết mức thu phí đã phù hợp với quy định hiện hành, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng mức phí còn cao.

“Các trạm thu phí hiện nay bố trí quá dày nhau, người dân và doanh nghiệp không có quyền lựa chọn, như đoạn Hà Nội - Thái Bình có tới 4 trạm, tiền phí cao hơn tiền xăng”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nhìn nhận.

Ở phía ngược lại, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng họ đang phải gánh chịu rủi ro. Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco cho rằng công ty ông “không có hưng phấn để đầu tư nữa” do chưa có sự hài hòa lợi ích và trong những năm qua, công ty đã “đầu tư BOT dù lợi nhuận thấp”.

Chủ tịch Tasco - nhà đầu tư BOT rất lớn với hàng chục dự án hạ tầng tại các địa phương như Hà Nội, Nam Định và Thái Bình - khẳng định rằng, trong hợp đồng BOT nhà đầu tư chỉ hưởng 12%, trừ đi lãi suất thì lợi nhuận thu về chỉ là 8%. Trong khi đó để thu hút cổ đông thì phải đảm bảo lợi nhuận 12%.

 “Các thông tin tiêu cực liên quan đến dự án BOT thì nhiều”, ông Dũng nói, và khẳng định các dự án BOT đều qua một quá trình kiểm soát đầu tư và quản lý vận hành chặt chẽ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, từ vị trí của một người dân, cần phải rà soát lại các dự án BOT giao thông, tạo điều kiện và lựa chọn tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Càng công khai càng tốt

Trong bối cảnh có những ý kiến rất khác nhau như trên, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề cần thiết nhất hiện nay là phải công khai, minh bạch về các dự án BOT.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, chi phí vận tải đang là một trong những vấn đề gay gắt nhất hiện nay của các doanh nghiệp. Nhà đầu tư phải có lợi họ mới làm và suất đầu tư của Việt Nam cao so với thế giới bởi nhiều lý do. Nhưng Việt Nam còn nghèo, vấn đề tổng đầu tư phải hết sức minh bạch, càng công khai, chia sẻ càng nhiều với xã hội thì càng tốt.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ GTVT cho biết lộ trình tăng phí chỉ là dự kiến, sẽ được Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét, quyết định chính thức phù hợp với điều kiện thực tế. Nhưng Bộ cũng cho rằng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư nếu mức phí và lộ trình tăng phí không như phương án ban đầu.

Tuy nhiên, Bộ này thừa nhận hiện chưa có quy định tham vấn các tổ chức xã hội nghề nghiệp và người sử dụng về trạm thu phí và mức phí. Bên cạnh đó cũng chưa có đánh giá về khả năng chi trả của người dân và tác động mức phí đến các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị cần có cơ quan độc lập với bộ tiến hành đánh giá lợi ích mang lại và sức chi trả của người dân, đồng thời so sánh với chi phí thực của người sử dụng phải trả so với tiện lợi mà người sử dụng được hưởng.

Được biết, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quy trình nguyên tắc xác định trạm thu phí, mức phí và tham vấn người sử dụng để khắc phục các tồn tại này, bảo đảm tính công bằng, minh bạch thay vì xây dựng quy hoạch trạm thu phí vì chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Giải pháp triệt để nhất

Về phía Chính phủ, thông điệp rõ ràng đã được đưa ra. Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu trong thời gian tới không tăng phí BOT. Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ GTVT sớm tổng kết và báo cáo Thủ tướng về vấn đề tổng vốn đầu tư, kiểm soát số lượng xe, thời gian hoàn vốn ở các dự án BOT.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, có những công trình khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán ban đầu, gây bức xúc trong xã hội. Điều này làm tăng chi phí đầu vào sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, của nền kinh tế. Tình trạng này cần phải được chấn chỉnh.

Ủng hộ quan điểm này, tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông khẳng định, “người dân, doanh nghiệp và Chính phủ hoàn toàn có quyền yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các cơ quan thẩm định dự án BOT, công khai tuyệt đối giá thành công trình và phí ".

Theo Thứ trưởng, về mặt nguyên lý, phí giao thông không chỉ phụ thuộc vào giá thành xây dựng mà còn phụ thuộc vào số lượng xe nộp phí, con số này cần kiểm tra chính thức và công khai ngay lập tức.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng phải đẩy mạnh việc thu phí không dừng, ứng dụng công nghệ thông tin để đếm chính xác lượng xe nộp phí. “Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ GTVT về vấn đề này trong thời gian sớm nhất. Thực tế có những tuyến đường mà chủ đầu tư nói chỉ thu được 1 tỷ một ngày, nhưng người ta nói phải thu được tới 3-4 tỷ”, ông Lê Mạnh Hà nói.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông đồng tình rằng đây là giải pháp triệt để nhất. Ông cho biết đã có những doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp các phần mềm tự động đếm lưu lượng xe trên các tuyến đường.

Hà Chính