Bản Để In

Nhận diện 'điểm nghẽn' và gỡ vướng cho bất động sản du lịch

(Chinhphu.vn) - Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” đã tập trung phân tích xu hướng phát triển và những “điểm nghẽn” thể chế của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhằm phát triển loại hình bất động sản này trong thời gian tới.

11/16/2021 02:59

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế "chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt  Nam". Ảnh: VGP
Ngày 16/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.

Trong những năm qua, phân khúc thị trường bất động sản du lịch phát triển vô cùng sôi động và ngoạn mục với nhiều sản phẩm bất động sản cao cấp ra đời như: Condotel, shophouse, shoptel, resort, homestay, farmstay… không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư thứ cấp và người dân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nói chung.

Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc bất động sản này.

Để giúp các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản “phục hồi”, phát triển sau đại dịch COVID -19; góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản thì việc bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch là rất cần thiết.

Hội thảo đã nhận được tổng số 35 báo cáo tham luận, trong đó có 33 tham luận của các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn ở Việt Nam và 2 tham luận từ quốc tế. Các vấn đề pháp lý từ lý luận đến thực tiễn về thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng đều được đề cập, phân tích, “mổ xẻ” ở nhiều góc độ khác nhau, trong đó chú trọng phân tích đến xu hướng phát triển và những “điểm nghẽn” thể chế của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.

Hội thảo cũng tập trung phân tích đến vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước, những định hướng về chính sách để phát triển bất động sản du lịch gắn với chiến lược quốc gia về phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2030… Hội thảo là cơ hội để lắng nghe những kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, những nơi có thị trường bất động sản du lịch phát triển và hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ như: Thái Lan, Indonesia, Singapore, Australia, Hoa Kỳ...

Qua những chia sẻ và bài học kinh nghiệm này, Việt Nam có thể tham khảo nhằm từng bước hoàn thiện chính sách và pháp luật, từ đó khơi dậy sức bật của thị trường bất động sản du lịch còn rất nhiều tiềm năng của chúng ta.

Hội thảo quốc tế này là hoạt động đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa lý luận với thực tiễn giữa kiến thức khoa học và giải quyết các vấn đề của thực tiễn.

Trên cơ sở kinh nghiệm hợp tác với Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Trường Đại học Luật sẽ phát triển mô hình hợp tác với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, các cơ quan ở Trung ương và địa phương khác trong việc nghiên cứu, đưa ra sáng kiến về lập pháp hoàn thiện thể chế pháp luật; tư vấn, phản biện thực thi chính sách, pháp luật trong tương lai.

Toàn Thắng