Bản Để In

“Nhiều cơ quan vẫn nghĩ chẳng cần sửa đổi gì nữa”

(Chinhphu.vn) – Bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia tư vấn của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho biết không ít cơ quan nhà nước đã cho rằng “mọi thứ đều “ok” rồi”, thế nhưng doanh nghiệp vẫn kêu.

10/10/2014 05:42

Hàng loạt vấn đề vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa đã được chỉ ra tại hội thảo triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ trong đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 10/10.

Cho dù, các ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo đều đánh giá cao quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Bộ Tài chính trong lĩnh vực hải quan, thể hiện qua hàng loạt thông tư, hướng dẫn được ban hành “ngay và luôn” sau các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp gần đây.

Hiện các thủ tục quản lý chuyên ngành được xem là trở ngại lớn nhất để cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 19. Theo một tính toán của Tổng cục Hải quan, thời gian cho công tác quản lý chuyên ngành chiếm tới 72% để thông quan hàng hóa, phần còn lại là của thủ tục hải quan. Có tới 50-60% hàng nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành.

Công sức nhiều, kết quả chẳng bao nhiêu

Theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu đang rất phức tạp với 15 luật, 28 nghị định, chỉ thị, quyết định, thông báo của Chính phủ và Thủ tướng, 145 thông tư, quyết định của các Bộ ngành.

Bà Đặng Thị Bình An, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, chuyên gia tư vấn của dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG), cho biết danh mục hàng hóa cần quản lý chuyên ngành quy định quá nhiều, không mô tả rõ, không xác định được mặt hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra.

Bà kể, có vị giám đốc doanh nghiệp nước ngoài để quên đồng hồ tại một khách sạn ở Thái Lan. Khi phía Thái Lan gửi về Việt Nam thì cái đồng hồ được xác định là mặt hàng đã qua sử dụng, không được phép nhập khẩu. “Cuối cùng thì vị giám đốc vẫn lấy được đồng hồ, nhưng phải đi kiểu khác”, bà An cho biết.

Một ví dụ khác, quy định hiện hành thì phải kiểm dịch với động vật và sản phẩm được chế biến từ động vật. Có doanh nghiệp nhập khẩu một loại thuốc trong đó có thành phần (rất ít) là não động vật, cán bộ hải quan yêu cầu phải có giấy kiểm tra mới được thông quan. Khi doanh nghiệp mang lên cơ quan chuyên ngành kiểm tra thì họ nói cái này đâu phải kiểm tra, hai bên cứ tranh cãi nhau, làm mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Cuối cùng thì cơ quan chức năng phải ra một văn bản miễn kiểm tra với sản phẩm này.

Cùng với đó, phương pháp kiểm tra, quản lý chuyên ngành cũng chưa hợp lý, có những mặt hàng cùng một xuất xứ nhưng lô nào cũng phải kiểm tra. Cùng một mặt hàng nhưng nhiều bộ quản, bộ nào cũng yêu cầu phải nộp chừng đó giấy tờ.

Thế nhưng, với tất cả những phức tạp như vậy trong thủ tục, các lô hàng không đạt yêu cầu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dưới 1%. Tức là kết quả không tương xứng với thời gian và công sức mà doanh nghiệp và các cơ quan chức năng phải bỏ ra.

Phải “chắt chiu” từng cải cách nhỏ

Bà An kiến nghị các bộ ngành rà soát lại danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành nhằm giảm bớt đến mức tối thiểu danh mục và mô tả danh mục rõ ràng. Đồng thời ban hành các quy chuẩn các sản phẩm thuộc danh mục để làm căn cứ kiểm tra, kiểm soát, chỉ định rõ cơ quan kiểm tra, phân loại hàng hóa nào cần kiểm tra tại cửa khẩu, loại hàng đưa về tuyến sau...

Cùng với đó, Việt Nam cần mở rộng sự thừa nhận lẫn nhau về chất lượng hàng hóa giữa các nước, đặc biệt là các nước phát triển nhằm giảm thời gian và chi phí kiểm tra. Một đề nghị của Ford Việt Nam tại hội thảo đã làm rõ hơn về vấn đề này: Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm nên xem xét chấp nhận kết quả kiểm tra đăng kiểm từ các nước G7, những nước có trình độ phát triển cũng như yêu cầu đăng kiểm rất cao.

Ông Ngô Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục giám sát và quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cũng nhắc tới tính “không rõ ràng”, không thống nhất trong văn bản của các bộ ngành. Một ví dụ là Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa mới ban hành đã bị “việt vị” trước khi có hiệu lực. Thông tư này yêu cầu máy móc cũ nhập khẩu phải còn 80% chất lượng, các doanh nghiệp kêu khó vì làm sao chứng minh được là còn 80% hay chỉ còn 75%?

“Những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong vấn đề quản lý hàng hóa chuyên ngành cũng chính là vướng mắc của hải quan với tư cách là những người thực thi chính sách”, ông Hải chia sẻ.

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết theo xếp hạng môi trường kinh doanh của WB, Việt Nam đứng thứ 65/149 nước về chỉ số thương mại qua biên giới (xuất nhập khẩu) một thứ hạng không quá thấp. Nhưng trước Việt Nam vẫn còn 64 nước nữa, nghĩa là còn rất nhiều dư địa để cải cách, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

 “Nhiều cơ quan nhà nước nói rằng như thế là “ok” rồi, không còn phải sửa đổi gì nữa, thế mà doanh nghiệp vẫn kêu. Thế nên tôi nghĩ rằng các cơ quan nhà nước phải chắt chiu từng chút một, sửa đổi từng chút một từng vấn đề cụ thể nhất, sẽ giúp được doanh nghiệp rất nhiều”, bà An chia sẻ.

Thành Đạt