chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu nghiêm túc xem xét lại 89 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, khó hoàn thành để xem nguyên nhân, có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thời gian tới và xử lý nghiêm những trường hợp do nguyên nhân chủ quan hoặc cố tình không hoàn thành.
Chỉ vài ngày sau cuộc họp của Chính phủ, Bộ KHĐT đã có văn bản do Thứ trưởng Đặng Huy Đông ký, gửi các bộ ngành, địa phương để đôn đốc việc tham gia ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.
Trao đổi với báo chí về dự thảo Quyết định, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết hiện “nhiều DNNN không nói thẳng về việc vẫn muốn Nhà nước giữ tỷ lệ chi phối, nhưng bên trong vẫn muốn điều này". Việc sửa đổi Quyết định 37 nhằm đẩy mạnh hơn nữa, tăng tốc hơn quá trình cổ phần hóa, sắp xếp DNNN.
Thay đổi căn bản cách làm
Theo Bộ KHĐT, dự thảo sẽ có thay đổi căn bản về phương pháp thực hiện. Quyết định số 37 vẫn theo phương pháp truyền thống là đưa ra tiêu chí, danh mục phân loại và các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó để xác định phương hướng sắp xếp cụ thể cho từng doanh nghiệp do mình quản lý, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới DNNN tại các bộ, ngành địa phương còn chậm, thường phải mất khoảng 8 - 12 tháng sau khi tiêu chí, danh mục phân loại DNNN được ban hành.
Trước bất cập này, dự thảo sẽ kèm theo danh mục DNNN cụ thể cùng với phân loại và hình thức sắp xếp đi kèm, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ chủ trì, xây dựng phương án tổng thể về sắp xếp DNNN và DN có vốn Nhà nước của bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế cùng với phân loại và hình thức sắp xếp ban hành kèm theo quyết định này, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, danh mục nhằm cung cấp thông tin một cách tổng quan cho các nhà đầu tư và xã hội, làm cơ sở quyết định đầu tư và quá trình giám sát DNNN trên thực tế. Việc ban hành một danh mục kèm theo quyết định này cũng sẽ rút ngắn thời gian phê duyệt phương án sắp xếp, cổ phần hóa.
Nói cách khác, việc sắp xếp, cổ phần DNNN sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của các bộ ngành, địa phương nữa.
Ngành dầu mỏ mở tới 35% cho tư nhân
Một điểm nổi bật khác trong dự thảo là loại thêm một số ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn cổ phần. Đồng thời, dự thảo cũng đưa một số ngành quan trọng vào danh mục cổ phần hóa với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ giảm từ mức trên 75% xuống trên 65%, như chế biến dầu mỏ, vận chuyển hàng không, cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông…
Nếu được chấp nhận, số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ chỉ còn 158 doanh nghiệp, giảm hơn một nửa so với 480 doanh nghiệp hiện có. Như vậy, số lượng DNNN thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn trong những năm tới sẽ tăng mạnh.
Chiếu theo dự thảo tiêu chí đang được đề xuất, 39 doanh nghiệp sẽ thoái vốn với mức vốn nhà nước nắm từ 65%; 147 doanh nghiệp vốn nhà nước còn từ 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần. 136 doanh nghiệp còn lại sẽ thoái vốn toàn bộ, trong đó có cả doanh nghiệp nắm hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu, cốt lõi của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; những doanh nghiệp có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh… - những “món hàng” đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Dự thảo mới “không chỉ đặt mục tiêu cổ phần càng nhiều càng tốt, mà còn đặt mục tiêu những lĩnh vực mà DNNN hoạt động hiệu quả nhất nên giữ lại, còn phần lớn không giữ lại là để cho khu vực tư nhân, và Nhà nước giữ vai trò điều tiết”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói khi trả lời phỏng vấn Doanh nhân Sài Gòn. Ngay cả trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, Nhà nước vẫn nắm quyền thu thuế, phí nhưng không cần nắm giữ, bởi ai sở hữu cũng phải hướng tới mục tiêu chế biến sâu, không xuất khẩu thô.
Còn các dịch vụ công cộng ở đô thị như cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, Thứ trưởng cho biết Nhà nước có thể đặt hàng DN, trên cơ sở được sự đồng thuận về chất lượng và giá thành do hội đồng nhân dân ở địa phương quyết định, người dân chấp nhận. Trường hợp người dân không chấp nhận giá cao của DN, mà bắt buộc giá đó DN mới có lãi, thì lúc đó Nhà nước phải bù lỗ, nhưng bù lỗ như thế nào, đấy là vấn đề cần phân tích.
Hà Chính