Bản Để In

Nhiều đơn vị vận tải vẫn khó xử với Nghị định mới

(Chinhphu.vn) – Vấn đề hợp đồng lao động của lái xe tiếp tục là một vướng mắc khó giải quyết đối với nhiều đơn vị kinh doanh vận tải, ngay cả với Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng ô tô vừa được ban hành.

09/17/2014 02:38

Sau khi Nghị định được công bố, không ít ý kiến độc giả gửi tới Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia đã đề cập tới câu chuyện này. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội xác nhận vướng mắc này đang khiến các hợp tác xã vận tải “đau đầu”.

Hợp tác xã hiện là mô hình kinh doanh khá phổ biến trong ngành vận tải.

Cụ thể, điều 13 Nghị định 86 quy định: Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, con, vợ, chồng của chủ hộ kinh doanh).

Ông Bùi Danh Liên cho biết các doanh nghiệp đánh giá cao cơ quan soạn thảo Nghị định là Bộ Giao thông vận tải trong thời gian qua đã rất chú ý lắng nghe và tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp về nhiều vấn đề. Ngay cả quy định trên cũng đã gỡ được một phần khó cho doanh nghiệp, khi các trường hợp lái xe, nhân viên phục vụ đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, con, vợ chồng không cần phải có hợp đồng lao động bằng văn bản.

Tuy nhiên, với các hợp tác xã - mô hình rất phổ biến trong ngành vận tải, quy định trên vẫn rất khó thực hiện, nếu muốn nói là không thể. Điều này bắt nguồn từ bản chất của hợp tác xã. Bởi tại hợp tác xã, các chủ xe tham gia hợp tác xã (tức xã viên) thường trực tiếp lái xe, phục vụ hoặc để người thân (bố, con…) lái, phục vụ. Cũng các xã viên ấy bầu lên chủ nhiệm hợp tác xã. Như vậy, không \ thể có chuyện chủ nhiệm ký hợp đồng lao động với lái xe, phụ xe, tức là xã viên được.

Mặt khác, kể cả khi thuê lái xe thì cũng là do từng chủ xe ký hợp đồng lao động, bởi chính ông chủ ấy, chứ không phải hợp tác xã, sẽ trả lương và theo dõi lái xe làm việc.

Ông Bùi Danh Liên thừa nhận, hiện các hợp tác xã vận tải đang có 2 cách để “đối phó” với quy định này. “Một là lì ra, chịu phạt; hai là lách luật, làm hợp đồng “giả vờ” theo hướng chủ xe ký hợp đồng còn hợp tác xã xác nhận, nhưng cách làm này cũng không đúng với quy định mà chỉ “gần giống” quy định thôi”.

Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu và có giải pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp, song ông Liên cũng thừa nhận đây đang là vấn đề hết sức nan giải với cơ quan chức năng.

Cần thực chất và khả thi

Cũng theo Nghị định, từ ngày 1/7/2015, đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng vận tải hành khách hoặc hợp đồng lữ hành, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.

Theo ông Liên, đây là điểm mới của Nghị định nhằm siết chặt vấn đề xe hợp đồng, vốn làm “nát óc” các cơ quan quản lý và đã rất nhiều năm chưa tìm ra được giải pháp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng hình thức kinh doanh vận tải hợp đồng để làm kinh doanh vận tải cố định.

Tuy nhiên, vấn đề vẫn là ở tính khả thi. Nghị định 91/2009/NĐ-CP cũng quy định xe hợp đồng phải có hợp đồng vận tải ghi rõ số lượng hành khách; trường hợp xe vận tải hành khách với cự ly từ 100km trở lên phải kèm theo danh sách hành khách… Nhưng rồi cũng không ai thực hiện và xuất hiện tình trạng nhà xe làm giả hợp đồng.

“Với quy định mới, thì thông báo bằng cách nào, ai kiểm tra tính chính xác của nội dung thông báo, khi không thông báo thì chế tài thế nào... Tôi cho rằng đây là một ý tưởng hay nhưng không khả thi, không kiểm soát được”, ông Liên nói.

Cũng liên quan đến lái xe, phụ xe, Nghị định 86 quy định nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Đánh giá việc tập huấn là hết sức cần thiết nhằm nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, phụ xe, nhưng ông Liên cho rằng phải làm thực chất chứ không nên làm hình thức như hiện nay. “Bản thân Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cấp giấy chứng nhận đã tham gia tập huấn, nhưng nói thật là hiệu quả nâng cao trình độ, đạo đức với đội ngũ lái xe, phụ xe vẫn chưa được như mong muốn”, ông Liên nói.

Một lý do là có những nội dung tập huấn do cơ quan chức năng ban hành không thực sự cần thiết đối với đội ngũ lái, phụ xe, chẳng hạn như nội dung về lịch sử, truyền thống ngành giao thông vận tải, mà theo ông Liên là mang tính “phòng lạnh, không gặp gỡ thực tiễn cuộc sống”.

Thành Đạt