Bản Để In

Những bộ nào chậm xử lý "nút thắt cổ chai"?

(Chinhphu.vn) – Báo cáo của Bộ KHĐT cho thấy nhiều giải pháp về quản lý chuyên ngành nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa vẫn chưa được triển khai thực hiện.

06/29/2015 06:55
Ảnh minh họa
Theo kết quả khảo sát năm 2014 của các bộ ngành, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là thủ tục quản lý chuyên ngành (chiếm 72% thời gian thông quan), liên quan đến các lĩnh vực chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quản lý hóa chất…

Các chuyên gia cho rằng, việc phối hợp liên ngành thực sự đang là “nút thắt cổ chai” đối với mục tiêu cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến cuối 2015, phải kéo giảm thời gian thông quan qua biên giới xuống còn tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu. Tới năm 2016, thời gian xuất khẩu xuống dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu dưới 12 ngày.

Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 10 bộ ngành. Theo tổng hợp của Bộ KHĐT, đến nay, đã có 5 Bộ đã chủ động triển khai một số hành động theo hướng cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành.

Cụ thể, Bộ NNPTNT đã ban hành 10 Thông tư liên quan tới quản lý chuyên ngành. Bộ Công Thương đã thí điểm việc cấp chứng nhận xuất xứ điện tử đối với C/O mẫu D. Bộ Giao thông vận tải đã khai trương đăng kiểm điện tử. Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch đo thời gian giải phóng hàng với sự tham gia của 7 Bộ, cơ quan liên quan...

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ KHĐT về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP cũng dành tới 1/3 dung lượng để chỉ rõ những vấn đề tồn tại cần xử lý trong lĩnh vực này.

Cụ thể, đến nay,  một số bộ vẫn chưa triển khai nhiều nhiệm vụ được giao. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương với 4 nhóm nhiệm vụ: Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa thuộc Danh mục Quản lý chuyên ngành; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2008/NĐ-CP, Nghị định số 26/2011/NĐ-CP và Thông tư số 40/2011/TT-BCT về thủ tục khai báo hóa chất; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2009/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng Formaldehyt trên các sản phẩm dệt may; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 11039/2014/QĐ-BCT về danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm đối với những mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Bộ NNPTNT cũng chưa giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.

Tương tự là Bộ Khoa học và Công nghệ với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa; Bộ Giao thông vận tải với giải pháp kiểm soát việc thu phụ phí của các hãng tàu; Bộ Y tế với nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2012/TT-BYT về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Vẫn còn nhiều vướng mắc lớn

Theo Bộ KHĐT, một trong những vướng mắc lớn về thủ tục thông quan hàng hoá mới nảy sinh là vấn đề khai hải quan và giấy nộp tiền đối với những lô hàng có nhiều mặt hàng.

Theo chương trình VNACCS/VCIS của Hải quan thì những lô hàng này phải khai thành nhiều tờ khai (đối với nhiều doanh nghiệp, mỗi lô hàng có thể lên tới hàng trăm tờ khai).

Trong khi đó, ngân hàng vẫn chưa thực hiện một Giấy nộp tiền nộp cho nhiều tờ khai hải quan. Mỗi tờ khai có một Giấy nộp tiền nên một lô hàng có tới hàng trăm Giấy nộp tiền và doanh nghiệp hiện vẫn phải đến ngân hàng nhận các Giấy nộp tiền để nộp cơ quan hải quan. Vướng mắc này làm tăng thời gian và chi phí của doanh nghiệp khi thực hiện thông quan hàng hóa.

Về kiểm dịch hàng xuất khẩu, việc cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc Bộ NNPTNT áp dụng cứng nhắc Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 5/9/2014 về Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã gây khó khăn, tốn kém chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường không yêu cầu phải kiểm dịch.

Ngoài ra, cách tính phí kiểm dịch không thống nhất giữa các cơ quan và việc áp dụng tính phí theo trọng lượng thay vì theo lô hàng xuất khẩu đã làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp khi thông quan hàng hóa. Chẳng hạn, một tàu chở 40 tấn dăm gỗ sẽ được chia thành 80 lô với tổng phí kiểm dịch lên tới 43 triệu đồng.

Đối với hoạt động thông quan hàng nhập khẩu, Nghị quyết 19 yêu cầu các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành hướng dẫn việc công nhận chứng nhận kiểm tra của những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều quy định về kiểm định gây chi phí lớn cho doanh nghiệp khi nhập khẩu các sản phẩm có thương hiệu của các quốc gia có tiêu chuẩn kỹ thuật cao.

“Nhìn chung, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã kịp thời phản hồi trước những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhưng chưa chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để giải quyết”, Bộ KHĐT nhận định.

Do đó, mặc dù Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai khá nhiều nhiệm vụ, giải pháp như hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia..., song cho đến nay, chỉ số về giao dịch thương mại qua biên giới (theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới) vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt.

Bộ KHĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các Bộ trưởng phải bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 19 để cụ thể hóa vào Chương trình hành động của ngành; đảm bảo việc triển khai đạt được kết quả thiết thực, hiệu quả.

Bộ KHĐT cũng kiến nghị các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc soạn thảo và ban hành các Thông tư thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết ngay trong quý III/2015; và hoàn thành soạn thảo các Nghị định thuộc thẩm quyền đã được giao chậm nhất trong quý IV/2015

Thanh Hằng