Bản Để In

Niềm tin rất lớn để tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản. Chuyến thăm không những thắt chặt hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà còn là cam kết của Thủ tướng trong quan hệ với Nhật Bản. Đây là sự động viên rất lớn đối với các doanh nghiệp Nhật đã và đang đầu tư vào Việt Nam cũng như sẽ tạo niềm tin rất lớn để tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới.

11/23/2021 01:08
Ông Đặng Thành Tâm, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Nhật, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn
Đó là kỳ vọng của ông Đặng Thành Tâm, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) khi trao đổi về ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 22-25/11/2021.

Nước Nhật và Chính phủ Nhật luôn đón chào Thủ tướng Phạm Minh Chính


Theo ông Đặng Thành Tâm, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã, đang và sẽ chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ cả về chất và lượng. Việt Nam đã lọt vào tốp 20 nền kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài trên thế giới. Trong số các quốc gia hàng đầu đầu tư vào Việt Nam, phải kể đến Nhật Bản.

“Có người bạn Nhật Bản lâu năm nói với tôi rằng nước Nhật và Chính phủ Nhật luôn mong muốn và đón chào Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản ngay trong đầu nhiệm kỳ. Quả đúng như vậy! Do phải chiến đấu để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 mất hết gần nửa năm, nhưng khi trong nước kiểm soát được tình hình là ngay lập tức Thủ tướng chọn Nhật Bản để thăm chính thức. Điều này có lẽ bởi quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản rất tốt đẹp và chuyến thăm mang ý nghĩa rất to lớn với cả hai nước!”, ông Đặng Thành Tâm chia sẻ.

Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản cũng cho rằng, chuyến thăm không những thắt chặt hơn nữa quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước mà còn là cam kết của Thủ tướng trong quan hệ với Nhật Bản. Đây là sự động viên rất lớn đối với các doanh nghiệp Nhật đã và đang đầu tư vào Việt Nam cũng như sẽ tạo niềm tin lớn lao để tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới.

Vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ được khôi phục mạnh mẽ

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh cả ở cả hai nước đã có tác động đến dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, nhất là trong năm 2021. Dịch bệnh khiến cho hầu hết các nhà đầu tư Nhật Bản phải trì hoãn việc qua Việt Nam thực địa. Mặc dù vậy, trong suốt năm 2020 và 2021, ông Đặng Thành Tâm cho hay số lượng liên hệ từ các khách hàng Nhật Bản tìm đất, nhà xưởng… vẫn không hề giảm sút so với các năm trước đó. Tuy nhiên, với tính cách thận trọng cố hữu, các nhà đầu tư Nhật Bản không thể dựa vào khảo sát online để đưa ra quyết định, mà họ cần tới tận nơi, xem cụ thể. “Chúng tôi kỳ vọng rằng, khi chúng ta chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, nguồn vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ được khôi phục mạnh mẽ trong thời gian tới”, Chủ tịch SGI, đơn vị có hàng loạt khu công nghiệp ở nhiều địa phương trong nước bày tỏ tin tưởng.

Tác động bởi chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, theo ông Đặng Thành Tâm, là đặc biệt quan trọng, khi 5 lĩnh vực sẽ được Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy trong giai đoạn tới, trong đó có việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ… Điều này sẽ giúp tăng cường mạnh mẽ niềm tin của doanh nghiệp Nhật, qua đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Thành Tâm, điều quan trọng lại là sự chuẩn bị về hạ tầng đón nhận làn sóng đầu tư, những dự án FDI quy mô lớn của Việt Nam như thế nào?

Để có thể thu hút được những “đại bàng” FDI Nhật Bản, cần có sự dẫn dắt của các cơ quan Chính phủ hai nước và sự tham gia của các chủ đầu tư khu công nghiệp lớn để có thể hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư từ những giai đoạn đầu tiên khi họ khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư cũng như xuyên suốt quá trình đầu tư của dự án.

Bênh cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, một xu hướng cần chú ý về FDI Nhật Bản là xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (SME) vào Việt Nam. Các doanh nghiệp SME từ Nhật Bản chính là các doanh nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác, là những mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Sự có mặt của các doanh nghiệp SME từ Nhật Bản ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam khi họ chính là những đối tác tin cậy, giúp chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam, hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nâng cấp, tiếp cận dần chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện các doanh nghiệp SME từ Nhật Bản lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng địa điểm đầu tư, tiếp cận thị trường... Vì vậy, Việt Nam cũng cần có những chính sách ưu đãi đầu tư thật cụ thể để có thể hỗ trợ SME Nhật Bản tiếp cận mặt bằng sản xuất, các chính sách ưu đãi, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa để đón SME Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam. Bỏ lỡ dòng vốn đầu tư từ các SME Nhật Bản cũng đồng nghĩa Việt Nam bỏ qua một nguồn lực hỗ trợ quan trọng khi chúng ta hướng tới xây dựng nền kinh tế tự cường, phát triển bền vững.

Công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về chính sách rất quan trọng

Để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ và khối EU, ông Đặng Thành Tâm nhìn nhận, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, các nhà đầu tư còn chú trọng đến một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về chính sách; thủ tục hành chính đơn giản, dễ tiếp cận, áp dụng, bảo đảm thời gian đã quy định…  là rất quan trọng, nhất là đối với các công ty Nhật Bản.

Thực tiễn tại KBC, thành viên của SGI, đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại nhiều địa phương trong nước ghi nhận rất nhiều ý kiến từ phía các nhà đầu tư tiềm năng về việc hệ thống pháp luật của Việt Nam còn cần phải tiếp tục hoàn thiện và đặc biệt là các chủ trương và chính sách quyết liệt của Chính phủ, cần được xuyên suốt tới các bộ, ngành và tỉnh, thành phố để thực hiện.

Ngoài ra, những vấn đề như sự “dễ dãi” ở một số tỉnh, thành phố trong việc chấp nhận dự án FDI quy mô nhỏ, công nghệ chưa cao, ngành nghề không khuyến khích, thâm dụng lao động…, trong một thời gian dài đã không mang lại hiệu quả cho các địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách.

Do đó, để “giữ chân” và đẩy mạnh thu hút FDI chất lượng, nhất là đối với các doanh nghiệp từ Nhật Bản thì các địa phương, nhất là những địa bàn đã phát triển cần giữ nguyên tắc chọn lọc, chỉ thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại và cần chú trọng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.

Cùng với đó, cần rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu FDI hợp lý; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược có thể tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu, ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ.

Để làm được điều này, trước mắt Việt Nam cần có các biện pháp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; bảo đảm sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương quyền; cải cách hành chính…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp FDI.

Một điều cũng rất cần quan tâm, đó là, sau đại dịch, cần nhanh chóng có những điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động, bất trắc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, xây dựng lợi thế cạnh tranh riêng trong thu hút đầu tư của Việt Nam.

Chính phủ cần sớm xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành, lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện. Có quy định nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến; xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hoá trọng điểm; đánh giá các mặt được, những điều chưa được của 8 nhóm lợi thế thu hút FDI của Việt Nam, từ đó phát huy những điểm mạnh, khắc phục các hạn chế để 8 nhóm lợi thế này mang lại hiệu quả hơn trong thu hút FDI trong thời gian tới.

Và điều quan trọng là các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, qua đó phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Ông Đặng Thành Tâm cho biết, tới đây, SGI sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất công nghiệp thuận lợi để đón dòng đầu tư, đón các dự án FDI có quy mô lớn từ Nhật Bản, nỗ lực góp phần hiện thực hóa những cam kết, mong muốn của lãnh đạo Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.

Mạnh Hùng