Bản Để In

PCI 2014: Kỷ lục khởi sự doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) – Lần đầu tiên kể từ năm 2006, thời gian khởi sự doanh nghiệp đã được rút ngắn ở mức kỷ lục, trong khi các địa phương có những sáng kiến cải cách độc đáo đều “ghi điểm” ngoạn mục.

04/16/2015 01:22
Sáng 16/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2014.

Năm nay, điểm trung bình của PCI tăng từ 57,81 năm 2013 lên 58,58 điểm và khoảng cách điểm số giữa các tỉnh tiếp tục được thu hẹp. Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh trên cả nước nhìn chung tiếp tục được cải thiện và diễn biến như vậy cũng phù hợp với đánh giá lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh trong năm 2014 mà PCI phản ánh.

Đà Nẵng giữ ngôi đầu, Tuyên Quang bứt phá

Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI 2014 với số điểm 66,87. Sau Đà Nẵng là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm), những gương mặt khá quen thuộc trong nhóm đứng đầu của bảng xếp hạng hàng năm.

Cả hai địa phương nói trên có những sáng kiến cải cách độc đáo. Nếu Đồng Tháp luôn coi doanh nghiệp là bạn đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, thì Lào Cai lại có sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện.

Cũng là lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, trung tâm kinh tế lớn, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.

Đây cũng là năm thứ hai TOP 5 có sự góp mặt của tỉnh Quảng Ninh, với mô hình Trung tâm Hành chính công hoạt động theo nguyên tắc thẩm định, phê duyệt tại chỗ  và mô hình cơ quan chuyên trách về xúc tiến hỗ trợ đầu tư (Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư) trực thuộc UBND tỉnh.

Trong nhóm 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có các tỉnh Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh.

Từng đứng ở nhóm cuối của bảng xếp hạng PCI trong 2 năm trước đây, Tuyên Quang đã trở thành một hiện tượng cho sự thay đổi từ nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành thấp. Năm 2014, Tuyên Quang đã có số điểm PCI tổng hợp tăng lớn nhất trong 63 tỉnh, thành phố, với 6,22 điểm. Nhờ vậy, thứ hạng tỉnh này năm 2014 đã tăng 13 bậc so với năm 2013.

Thành công này không bất ngờ bởi năm 2013, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động cải thiện PCI. Và từ năm 2014, Tuyên Quang trở thành tỉnh đầu tiên trong nhóm cuối bảng xếp hạng các năm trước tổ chức một loạt các chương trình cà phê doanh nhân để lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp.

Các tỉnh có chỉ số thấp nhất gồm Cà Mau, Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu và Điện Biên.

Bảng xếp hạng chi tiết như hình dưới đây:


 

Kỷ lục của khởi sự kinh doanh

Báo cáo PCI 2014 điều tra cảm nhận của gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng điều hành môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam.
Báo cáo năm nay cũng công bố những đánh giá của doanh nghiệp FDI về môi trường kinh doanh Việt Nam, đánh giá của doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội và thách thức từ Hiệp định TPP và những kết quả về thực trạng quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.

Khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực gia nhập thị trường (tăng 0,95 điểm), tiếp đến là tính minh bạch (0,42 điểm), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (0,43 điểm), đào tạo lao động (0,4 điểm) và chi phí thời gian (0,33 điểm).

Điểm số chi phí gia nhập thị trường tăng tới 8,37 điểm so với 7,42 năm ngoái, là chỉ số cải thiện mạnh mẽ nhất trong 10 lĩnh vực PCI.

“Lần đầu tiên kể từ năm 2006, thời gian khởi sự doanh nghiệp đã được rút ngắn ở mức kỷ lục. Tỉ lệ doanh nghiệp phải đợi trên 1 tháng để hoàn tất các thủ tục và chính thức đi vào hoạt động liên tục được cải thiện và hiện chỉ còn 10%, giảm hơn một nửa so với năm 2006 (26%). Tỉ lệ doanh nghiệp phải đợi trên 3 tháng cũng chỉ chưa đầy 2%”, báo cáo viết.

Kết quả điều tra cho thấy năm 2014, trung bình một doanh nghiệp chuẩn bị thành lập mất 12 ngày để có được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Gần đây, hưởng ứng tinh thần của Luật Doanh nghiệp mới, nhiều địa phương đã cam kết sẽ rút ngắn hơn nữa số ngày cấp phép cho doanh nghiệp, xuống còn 3 ngày, như Đà Nẵng, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu hay thậm chí ở nơi tập trung số lượng doanh nghiệp đông nhất cả nước là Hà Nội.

Ngược lại, điều tra PCI 2014 cho thấy những sụt giảm đáng lo ngại ở chi phí không chính thức (giảm 1,4 điểm), tính năng động của chính quyền tỉnh (1,02 điểm) và tiếp cận đất đai (1,01 điểm). Đánh giá cả ba lĩnh vực này, doanh nghiệp tại tỉnh trung vị thể hiện tâm lý bi quan nhất kể từ khi tiến hành điều tra.

Cụ thể, 66% doanh nghiệp tham gia điều tra PCI ở tỉnh trung vị cho biết thường phải trả thêm các chi phí không chính thức để tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau nhiều năm có xu hướng giảm, năm 2014, tỉ lệ này đã quay trở lại ngưỡng trên. Trong đó, có tới 10% số doanh nghiệp phải dành hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức.

Ngoài ra, ngày càng nhiều doanh nghiệp hơn cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến (tăng từ 41% năm 2013 lên tới 66% năm 2014). Tỉ lệ này ở điều tra PCI-FDI cũng ở mức tương tự (60%).

Mặc dầu vậy, chi phí "hoa hồng" trong hoạt động đấu thầu khi tham gia hợp đồng với các cơ quan nhà nước của doanh nghiệp dân doanh đã bắt đầu có tín hiệu chững lại (55% năm 2014 so với 56% năm 2013), song vẫn ở mức cao.

Thành Đạt