chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
Theo ông Đậu Anh Tuấn, kết quả điều tra PCI cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. |
“Nhiều người hỏi tôi “lại Đà Nẵng à?” Nhưng thực sự là Đà Nẵng đã tạo được thương hiệu rất tốt và thành phố cũng có sự tiến bộ so với chính mình rất rõ rệt qua các năm”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 diễn ra sáng 31/3.
Sau Đà Nẵng là Đồng Tháp và Quảng Ninh, những tỉnh đứng đầu của bảng xếp hạng với nhiều sáng kiến cải cách như tinh gọn bộ máy, công khai minh bạch trong đánh giá và lựa chọn cán bộ. Hai địa phương tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt gồm Vĩnh Phúc và Lao Cai.
Top 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất còn có TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa. Thủ đô Hà Nội ở vị trí 24.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do đó, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương và sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh thành đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Những kỷ lục cải cách được ghi nhận
Theo khảo sát thực tế hơn 8.000 doanh nghiệp cho thấy kể cả thời gian chuẩn bị hồ sơ và đi lại, môt doanh nghiệp chỉ mất trung bình mất 8 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong tay, giảm mạnh so với 10-12 ngày như trước.
Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, con số này cho thấy thời gian đăng ký doanh nghiệp đã được được rút ngắn ở mức kỷ lục trong vòng 11 năm điều tra PCI.
Vẫn trong Báo cáo PCI năm 2015 vừa được công bố ngày 31/3/2015, VCCI lưu ý rằng con số trên đo lường thời gian thực tế mà doanh nghiệp thực hiện, chứ không phải thời gian thủ tục ghi nhận tại các phòng đăng ký kinh doanh.
Năm 2015 cũng đánh dấu những cải thiện trong công tác cải cách thủ tục hành chính với nhiều doanh nghiệp nhỏ ghi nhận thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn (51%), doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký (61%), cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả (67%) và thân thiện, nhiệt tình (59%).
Đặc biệt, các nỗ lực cải cách của ngành thuế được ghi nhận rõ nét. Hiện, thời gian thanh tra thuế đã giảm đáng kể từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ đối với trung bình một cuộc thanh tra, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Triển vọng kinh doanh khởi sắcNhìn tổng thể, kết quả điều tra PCI cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn tiếp tục tăng nhẹ (10,9%). Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, trung bình 16,5 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2005.
Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi so với mức đáy năm 2012.
Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh. Gần một nửa số doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, tăng 3% so với 2014 và 16% so với năm 2013. Đây cũng là mức cao nhất của chỉ tiêu này trong vòng 5 năm qua.
Ngày càng nhiều DN trả phí không chính thức
Tuy nhiên, điều tra PCI 2015 cũng cho thấy một vài xu hướng đáng lo ngại khi các nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cũng như tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân chưa phát huy hiệu quả cao.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí không chính thức tăng qua các năm, từ 50% năm 2013 lên 64,5% năm 2014 và 66% năm 2015. Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay cho biết các khỏan chi này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với năm 2014 (10%).
Vẫn có tới 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến.
Về cạnh tranh bình đẳng, tại tỉnh trung vị trong khảo sát PCI 2015, 39% vẫn cho biết tình trạng ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp. Gần 49% doanh nghiệp cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngòai hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước.
Hai loại rủi ro với doanh nghiệp FDI
Có tới 65% doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam có ít rủi ro hơn và 30% cho rằng Việt Nam có mức độ rủi ro tương tự như các quốc gia cạnh tranh khác. Những kết quả này đã được cải thiện đáng kể so với năm 2013.
Hai loại rủi ro chính mà doanh nghiệp FDI quan tâm:
Thứ nhất, phần lớn doanh nghiệp FDI bày tỏ quan ngại về rủi ro kinh tế vĩ mô, do những thay đổi về nền tài chính quốc tế hoặc trong nước. Mặc dù từ năm 2010, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp để giảm thiểu những rủi ro này, song đây vẫn là mối lo ngại lớn đối với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai là rủi ro về các quy định do những thay đổi về quy định khiến lợi nhuận kinh doanh của họ bị giảm sút. Đáng chú ý, vấn đề này ngày càng nghiêm trọng kể từ năm 2014. Các phân tích sâu hơn cho thấy nguyên nhân chính của những quan ngại này lại không đến từ các yêu cầu khi gia nhập thị trường, mà từ chính các gánh nặng quy định liên quan đến quá trình vận hành doanh nghiệp và các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.
Khoảng 70% số lượng các doanh nghiệp FDI cho biết họ phải bỏ ra trên 5% quỹ thời gian trong năm để giải quyết các thủ tục hành chính.
Hà Chính