Bản Để In

“Phải công khai tuyệt đối, ngay lập tức phí BOT”

(Chinhphu.vn) – Thứ trưởng Bộ KHĐT bày tỏ quan điểm như vậy tại cuộc họp báo về Nghị quyết 35 vừa được Chính phủ ban hành, trong đó một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm là giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

05/27/2016 02:00
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà tại cuộc họp báo-Ảnh VGP/Nhật Bắc
Mở đầu cuộc họp báo sáng 27/5 do Văn phòng Chính phủ tổ chức về Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho hay Nghị quyết đặt ra mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm tới, so với con số khoảng 500 nghìn hiện nay. Đây là mục tiêu rất tham vọng.

Có doanh nghiệp bị kiểm tra hàng tuần

Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà, đồng thời là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, nhấn mạnh một số nguyên tắc rất quan trọng được khẳng định tại Nghị quyết: Coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp; và không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Nghị quyết cũng lần đầu tiên khẳng định doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế đất nước.

Nghị quyết đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: 1- Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; 2- Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; 3- Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; 4- Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; 5- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Ông Lê Mạnh Hà cho biết Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp cụ thể rất đáng chú  ý, như yêu cầu đánh giá về chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải gánh chịu; lãnh đạo các địa phương đối thoại với doanh nghiệp ít nhất 2 lần một năm và phải ký cam kết cải thiện môi trường kinh doanh; các cơ quan phải công khai minh bạch kết quả xử lý kiến nghị của doanh nghiệp…

“Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra chỉ 1 lần/năm. Hiện theo quy định thì thanh tra chỉ được 1 lần 1 năm, nhưng kiểm tra thì không có quy định nào giới hạn. Do đó đây là điểm rất quan trọng, nếu thực hiện tốt thì tình hình sẽ khác hẳn, doanh nghiệp sẽ yên ổn làm ăn hơn nhiều”, ông Lê Mạnh Hà nói.

“Hiện kiểm tra quá nhiều, thậm chí chúng tôi biết có những loại doanh nghiệp được kiểm tra hàng tuần, tất nhiên là kiểm tra không chính thức”, ông nói thêm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên là nếu chỉ thanh tra, kiểm tra 1 lần 1 năm thì làm sao phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh “trước tiên chúng ta phải tin tưởng doanh nghiệp”.

“Hơn nữa, không phải kiểm tra tất cả các doanh nghiệp, mà chỉ khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ cao. Giải pháp này của Chính phủ chỉ là nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp gần như không vi phạm gì mà cán bộ vẫn đến và đến thường xuyên. Còn các vi phạm vẫn phải xử lý triệt để”, ông Lê Mạnh Hà nói.

“Phí giao thông đang ảnh hưởng tới từng cân thịt, mớ rau”

Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông-Ảnh VGP/Nhật Bắc

Một vấn đề nóng được báo chí rất quan tâm tại cuộc họp báo là chi phí kinh doanh, đặc biệt là câu chuyện phí giao thông. Nghị quyết 35 chỉ rõ phải rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT hiện nay, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý. Theo Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà, đây cũng là nội dung rất mới.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết qua các khảo sát, các doanh nghiệp đều thừa nhận có chi phí không chính thức khi làm hầu hết các thủ tục hành chính. Còn các loại chi phí chính thức như thuế, phí, bảo hiểm xã hội… thì chiếm khoảng 40% lợi nhuận doanh nghiệp – theo bà Hằng là ở mức cao so với khu vực.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cũng cho rằng đây là mức cao và ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp và xã hội có quyền đòi hỏi các khoản phí phải được minh bạch.

“Không thể nói rằng mức phí không như vậy thì không có người đầu tư, nói thế tôi không đồng tình. Phí giao thông hiện đang ảnh hưởng tới từng cân thịt, cân gạo, mớ rau mà bà con chuyển ra thành phố. Củ đậu ở quê tôi chỉ có 5.000 đồng/kg, nhưng ra Hà Nội là 50.000, trong đó có phần phí vận chuyển”, ông Đông chia sẻ.

Thứ trưởng phân tích thêm, về mặt nguyên lý, phí giao thông không chỉ phụ thuộc vào giá thành xây dựng mà còn phụ thuộc vào số lượng xe nộp phí, con số này cần kiểm tra chính thức và công khai ngay lập tức. "Người dân, doanh nghiệp và Chính phủ hoàn toàn có quyền yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các cơ quan thẩm định dự án BOT, công khai tuyệt đối giá thành công trình và phí, không có vùng cấm, theo cá nhân tôi", Thứ trưởng nói.

Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà cho rằng phải đẩy mạnh việc thu phí không dừng để đếm chính xác lượng xe nộp phí. “Hiện chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a của Chính phủ. Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ GTVT về vấn đề này trong thời gian sớm nhất. Thực tế có những tuyến đường mà chủ đầu tư nói chỉ thu được 1 tỷ một ngày, nhưng người ta nói phải thu được tới 3-4 tỷ”, ông Hà cho biết và đề nghị báo chí cùng vào cuộc kiểm tra.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng đồng tình rằng đây là giải pháp triệt để nhất.

Chính phủ hành động, địa phương chuyển động

Trước băn khoăn của phóng viên rằng liệu Nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết cách đây 2 ngày có làm việc trực tiếp với Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội và ông tin rằng với quyết tâm đã thể hiện, Hà Nội có thể từ vị trí rất thấp hiện nay về đăng ký doanh nghiệp vươn lên nhóm 10 địa phương tốt nhất cả nước.

Có được điều này, theo Thứ trưởng, là nhờ quyết tâm rất cao của lãnh đạo Thành phố. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã đặt mục tiêu Hà Nội phải là địa phương số 1 cả nước về xây dựng chính quyền điện tử. Theo tính toán, điều này có thể giúp giảm 21 nghìn tỷ chi phí hành chính công và hơn nữa, doanh nghiệp, người dân còn có thể tiết kiệm được nhiều lần con số ấy.

“Thực tế này đang diễn ra ở nhiều nơi khác nữa. Tôi đã thấy sự chuyển động ở nhiều nơi, đặc biệt là với cơ chế kiểm tra giám sát, công khai trong Nghị quyết, với sự tham gia của VCCI và các tổ chức khác. Thủ tướng đã khẳng định Chính phủ hành động, nhưng để làm điều này cần sự vào cuộc chuyển động của các tư lệnh ngành và người đứng đầu các địa phương”, ông Đông nói.


Thành Đạt