Bản Để In

Phải loại bỏ mọi rào cản với kinh tế tư nhân

(Chinhphu.vn) – Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tập trung thảo luận hai chủ đề chính là cải cách thể chế kinh tế và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

12/05/2014 09:59
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Trước đó, trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và phát triển mạnh kinh tế tư nhân là động lực, là giải pháp chủ yếu để khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.

Trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá

Trước thềm Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) ngày 5/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng những trọng tâm thảo luận tại Diễn đàn là những vấn đề rất hệ trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

“Trong những năm tiếp theo, cụ thể là trong hai năm 2015 - 2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện và sẽ trở thành nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá trong tái cơ cấu kinh tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển cũng mong muốn cùng Chính phủ Việt Nam thảo luận để xác định xem Việt Nam đang ở đâu, nên cải cách thể chế kinh tế theo hướng nào, từ đó hỗ trợ nguồn lực ODA để Việt Nam thực hiện các định hướng, mục tiêu đó.

Bộ trưởng lưu ý rằng tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế chính là liên quan đến việc phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam. Xét cho cùng, bất cứ quốc gia nào muốn đi lên cũng phải phát triển hệ thống DN nội địa, chứ không thể coi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chủ thể của nền kinh tế.

Tại VDPF, Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển sẽ thảo luận xem cần phải làm gì tiếp theo để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển. “Có thể nói, đây là một viên đạn trúng nhiều mục tiêu”, ông Vinh nói.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, người đứng đầu cơ quan chuẩn bị dự thảo Luật Đầu tư và Luật DN (sửa đổi) vừa được thông qua, cũng cho rằng việc thông qua 2 luật này chính là sự thể hiện mạnh mẽ của cải cách thể chế kinh tế.

“Hai luật này chính là hiện thân, là hành động của cải cách thể chế kinh tế. Tôi hy vọng rằng, hai luật này sẽ tạo ra một làn sóng mới về đầu tư và thành lập DN ở Việt Nam”, Bộ trưởng chia sẻ.

Kỳ vọng lớn nhất là Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách

Trong khi đó, trao đổi về các khuyến nghị cải cách kinh tế đối với Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam cũng cho rằng việc 2 luật này và Luật Phá sản (sửa đổi) thông qua vào tháng 7/2014 cũng là một bước tiến nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng về hành chính và cấp phép, đồng thời mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho khối doanh nghiệp tư nhân.

Bà đồng thời nhắc lại việc Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu cắt giảm thời gian nộp thuế xuống mức trung bình của ASEAN vào cuối năm 2015. Một số biện pháp cụ thể đã được áp dụng nhằm cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, nộp bảo hiểm và đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đạt được mục tiêu của Chính phủ. “WB cho rằng, cải cách doanh nghiệp nhà nước vô cùng quan trọng đối với thành công trong tương lai của Việt Nam và chúng tôi cam kết hỗ trợ nỗ lực cải cách này”, bà nói.

“Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi là Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách. Ngoài việc thực hiện hiệu quả các văn bản pháp luật mới về minh bạch và trách nhiệm giải trình, Chính phủ cần ưu tiên những cải cách giúp doanh nghiệp tư nhân có sân chơi công bằng với các doanh nghiệp nhà nước. Điều này có nghĩa là phải loại bỏ tất cả rào cản đối với các doanh nghiệp tư nhân về tín dụng, đất đai và mua sắm công”.

Bà Kwakwa cho hay khuyến nghị của Nhóm Công tác phát triển khu vực tư nhân tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển thông qua 5 lĩnh vực chính: tăng cường cơ hội phát triển; cải thiện năng suất và quy mô; xây dựng năng lực và nguồn lực con người; cải thiện việc tiếp cận tài chính; tăng cường tác động của đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chi tiết của các khuyến nghị này sẽ được làm rõ tại VDPF.

Hà Chính