Bản Để In

Quốc hội, cạnh tranh quốc gia và thể chế

Cạnh tranh thuộc về bản chất của kinh tế thị trường. Khi hội nhập kinh tế, sân chơi rộng hơn, đối tác - đối thủ nhiều hơn thì cạnh tranh càng gay gắt. Với các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” cạnh tranh trở nên sống còn đối với doanh nghiệp.

10/15/2015 08:00
Khi nói đến cạnh tranh, dư luận nghĩ ngay rằng đây là vấn đề và trách nhiệm của doanh nghiệp. Nghĩ như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp của một quốc gia cao hay thấp không chỉ tùy thuộc vào nỗ lực và trình độ quản lý của doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách, khung thể chế của quốc gia đó.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã xác lập một chỉ số gọi là chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) và tính toán cho mỗi quốc gia khi WEF có đầy đủ số liệu .

Chỉ số này tùy thuộc vào 12 chỉ số thành phần, trong đó khung thể chế, hạ tầng cơ sở, kinh tế vĩ mô và sức khỏe và giáo dục tiểu học hợp thành nhóm các yêu cầu cơ bản, có trọng số 60% trong tính toán GCI. Các chỉ số được WEF tính toán cho từng quốc gia, điểm số từ 1 đến 7.

Biểu đồ A

Biểu đồ A thể hiện điểm số về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong 10 năm gần đây, từ năm 2006 đến 2015.

Biểu đồ B cho thấy diễn tiến của hai chỉ số thuộc nhóm cơ bản, là khung thể chế (ký hiệu instit.), hạ tầng cơ sở (ký hiệu infrast.) của Việt Nam và xu hướng diễn biến theo thời gian (2006 - 2015).

Theo biểu đồ này, trong 10 năm qua, nếu chỉ số hạ tầng cơ sở tăng đều (trừ năm 2012) thì chỉ số khung thể chế có xu hướng giảm, phản ánh hai thực tế rất khác nhau trong mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Mặc dù vậy, chỉ số GCI của Việt Nam, cho dù có lúc tăng, lúc giảm, vẫn có xu hướng tăng (Biểu đồ A).

Biểu đồ C chỉ ra, và làm chúng ta thêm tiếc nuối, rằng nếu khung thể chế diễn biến tích cực hơn trong 10 năm qua thì chỉ số GCI của Việt Nam hoàn toàn có thể so sánh được với chỉ số GCI của Thái Lan, Indonesia, Philippines và khoảng cách với chỉ số của Malaysia và Singapore sẽ thu hẹp lại nhiều hơn.

Biểu đồ B. Diễn biến của hai chỉ số, khung thể chế, và hạ tầng cơ sở của Việt Nam trong 10 năm (2006 - 2015)

Biểu đồ C. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của một số nước ASEAN (2006 - 2015)


Chủ động đổi mới để hội nhập hay bị động thay đổi vì hội nhập

Có nhiều cách giải thích diễn biến không được tích cực lắm của chỉ số khung thể chế của Việt Nam trong biểu đồ B. Thời điểm của các sự kiện thể hiện trên biểu đồ B gợi lên hai lý do cần được kiểm chứng thêm. Đó là năng lực của QH thay đổi khung thể chế sau khi Việt Nam gia nhập WTO và ý chí đổi mới thể chế.

Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia hội nhập tích cực nhất. TPP vừa kết thúc. Những hiệp định thương mại tự do khác thuộc thế hệ mới đang được tích cực đàm phán.

Thực tế 10 năm qua cho thấy Việt Nam có hai sự lựa chọn: hoặc chủ động đổi mới thể chế để hội nhập hoặc bị động thay đổi bởi hội nhập. Bị động thường phải trả giá cao. Chủ động sẽ được nhiều hơn, giá phải trả thấp hơn.

Đổi mới cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống luật pháp quốc gia là thuộc thẩm quyền của Nhà nước mà trước tiên là của QH. Để khung thể chế thể hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vai trò và trách nhiệm của QH trong thời gian tới đây là rất nặng nề.

Nguyễn Ngọc Trân

ĐBQH Khóa IX, X, XI, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Theo Đại biểu nhân dân