Bản Để In

Quy định về hộ kinh doanh: Đưa vào Luật Doanh nghiệp hay cần luật riêng?

(Chinhphu.vn) - Thảo luận tại phiên họp Quốc hội ngày 21/5 về dự án Luật Doanh nghiệp (DN), nhiều đại biểu kiến nghị không đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà đề xuất ban hành luật riêng để điều chỉnh về hộ kinh doanh.

05/21/2020 03:20

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH về Luật DN sửa đổi. Ảnh: quochoi.vn

Tránh tác động bất lợi đến hộ kinh doanh 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật DN (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến khác nhau về quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật DN. 

Theo các ý kiến tán thành đưa quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký DN. Luật DN năm 1999, 2005 và 2014 cũng đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Đồng thời, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh. 

Ngược lại, một số ý kiến khác lại đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh bởi hộ kinh doanh không phải là DN nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật DN. Hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. 

Bên cạnh đó, những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý Nhà nước đối với hộ kinh doanh; có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. 

Theo giải trình của UBTVQH, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh. Đây cũng là quan điểm UBTVQH đề xuất lựa chọn. 

Thảo luận trực tuyến tại phiên họp, nhiều đại biểu cũng đồng tình với đề xuất của UBTVQH.

Chia sẻ với mong muốn của ban soạn thảo về việc cần có địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, song đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN lúc này là "đốt cháy giai đoạn" bởi bản chất hộ kinh doanh không phải là DN, mà là mô hình kinh doanh đặc thù. Việc đưa vào Luật có thể gây hiểu lầm, khiến cách áp dụng giữa các nơi rất khác nhau, thêm thủ tục và khó khăn hơn trong hoạt động. 

Một số đại biểu cho rằng, cần ban hành luật riêng cho loại hình này bởi chúng ta đang có đến 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 1,7 triệu hộ đang nộp thuế. Đây là số lượng rất lớn cần thiết phải có luật riêng để điều chỉnh.

Đồng tình với các lý do được nêu trong báo cáo của UBTVQH về việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật DN, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) còn nêu thêm một số bất cập, như phải thay đổi tên Luật DN để bao quát, phải có thời gian thực hiện đánh giá tác động để có quy định chi tiết phù hợp hơn… Đại biểu cũng cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN có thể chỉ giải quyết được yêu cầu quản lý mà chưa đưa ra được những quyền, lợi của hộ kinh doanh.

Không thêm thủ tục, không tác động tiêu cực

Ý kiến hiếm hoi ủng hộ quan điểm đưa hộ kinh doanh vào Luật DN là của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Thái Bình). Kiên trì quan điểm từ trước đến nay, đại biểu tiếp tục phân tích về sự cần thiết đưa hộ kinh doanh vào Luật. 

Phát biểu tiếp thu, giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, các quan điểm đại biểu nêu đều nhất trí với việc cần thiết luật hoá quy định về hộ kinh doanh. Tuy nhiên, ý kiến khác nhau là đưa hộ kinh doanh vào Luật DN hay làm luật riêng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc Chính phủ trình đưa ngay vào Luật DN là để khẳng định định danh của hộ kinh doanh mà hiện chưa được đưa vào luật. Qua đó có điều kiện để áp dụng các quyền lợi, quy định hỗ trợ của Chính phủ cho hộ kinh doanh, từ đó tháo bỏ các vướng mắc, giải phóng nguồn lực để phát triển hộ kinh doanh. 

"Việc này không làm phát sinh thủ tục hành chính, không tác động tiêu cực đến hộ kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. Ông cũng nêu thực tế là có rất nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn, hàng trăm lao động, doanh thu hàng nghìn tỷ nhưng vẫn hoạt động theo quy định hộ kinh doanh.

Hơn nữa, việc xây dựng luật về hộ kinh doanh sẽ mất rất nhiều thời gian, khoảng 3 năm mới xong. Vậy nên "cái gì có lợi thì làm ngay, việc này chỉ có lợi cho hộ kinh doanh. Khi nào làm luật riêng thì chuyển quy định ở Luật DN sang luật mới là xong", Bộ trưởng đề nghị.

Lê Sơn