chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Tại triển lãm ngày 15/7 với mục đích tìm kiếm các DN Việt Nam có khả năng trở thành nhà cho Samsung, đại diện Công ty này cho biết, hiện mới có 32 doanh nghiệp Việt Nam là đối tác của Samsung, bao gồm 4 nhà cung ứng trực tiếp (cấp I) và 28 đơn vị (cấp II). Dự kiến con số này sẽ nâng lên 41 sau khi 9 doanh nghiệp mới được xét duyệt xong hồ sơ.
Tuy nhiên, 2 trong số 4 nhà cung ứng cấp 1 chỉ là các DN cung cấp bao bì, đóng gói sản phẩm. Rõ ràng việc cung ứng các linh kiện công nghệ cao cho Samsung hiện vẫn là bài toán khó đối với DN trong nước.
Một công ty Hàn Quốc sản xuất sạc, dây cáp cho biết mỗi tháng phải giao hàng chục triệu sản phẩm cho Samsung, nhưng hiện vẫn phải đi nhập tem, túi bóng từ doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc để giao thành phụ kiện hoàn chỉnh.
Đây là lần thứ hai Samsung Điện tử Việt Nam phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức hoạt động phát triển công nghiệp phụ trợ. Theo ông Jang Ho Young, Giám đốc Công ty mua hàng của Samsung, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đề xuất hợp tác và Tập đoàn này đang trong quá trình nghiên cứu và xem xét hồ sơ.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Complex, ông Han Myoungsup tiết lộ tỷ lệ nội địa hóa của Samsung khoảng 36%. Tuy nhiên, tỉ lệ nội địa hóa này không chỉ đơn thuần là tỉ lệ của các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn bao gồm tất cả những doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Doanh thu của các nhà cung cấp đạt tổng cộng 35 triệu USD năm 2014 và sẽ tăng lên 45 triệu USD trong năm nay. Nhưng con số này rõ ràng là rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu 26 tỷ USD năm 2014 và dự kiến gần 30 tỷ USD trong năm nay của Samsung tại Việt Nam.
Ông Han Myoungsup cũng cho hay điều đầu tiên và quan trọng nhất mà Samsung tìm kiếm ở doanh nghiệp được chọn là doanh nghiệp có ý chí, có sự quyết tâm và mong muốn mãnh liệt được tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Chính phủ về vấn đề chính sách và tài chính cũng vô cùng quan trọng.
“Sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam với công ty chúng tôi có thể phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Ví dụ như: Chính phủ hỗ trợ vốn và chế độ chính sách đầu tư cho doanh nghiệp và tìm đầu ra cho sản phẩm; doanh nghiệp quyết tâm cao với tầm nhìn dài hạn và tinh thần doanh nghiệp; Samsung tạo sự hợp tác hài hòa trong những lĩnh vực mà công ty chúng tôi có thể như về kỹ thuật,” ông Han Myoungsup nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh hy vọng Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định về công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực này.
Bộ Công Thương hy vọng sẽ huy động được 1.000 doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp hỗ trợ.
Dự thảo nghị định đưa ra hàng loạt các chính sách về phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ, các chính sách cho nghiên cứu, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp,… đủ sức hấp dẫn, rõ ràng, minh bạch, phù hợp với cam kết quốc tế, theo Thứ trưởng.
Cùng với đó, Bộ sẽ cùng với Samsung tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực để bồi dưỡng các doanh nghiệp này đủ khả năng trở thành nhà cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào khả năng và sự quyết tâm của doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh nói.
Thành Đạt